SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
8
6
3
Tin tức sự kiện 12 Tháng Mười 2020 8:15:00 SA

Văn hóa doanh nghiệp – Tài sản vô hình

 

Một điều có vẻ nghịch lý nhưng lại là một thực tế ở nước ta hiện nay: kinh tế càng tăng trưởng, sản xuất kinh doanh càng mở rộng thì vấn đề văn hóa, đạo đức kinh doanh càng đặt ra một cách gay gắt. Nhiều câu hỏi đang trở thành mối quan tâm thường xuyên không chỉ đối với doanh nhân, doanh nghiệp mà còn với cả xã hội. Do vậy, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trở thành đề tài nóng bỏng của thời đại, bởi nó liên quan mật thiết đến con người và hơn nữa là vận mệnh quốc gia.

Từ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế

Có thể thấy rằng, con người ngày nay là một thực thể kinh tế nhiều hơn nhưng họ lại không thể bỏ đi cái nhân tố quan trọng trong suốt cuộc đời là văn hóa. Từ việc xem xét sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những thập kỷ qua, người ta đã tìm thấy những dấu ấn và đặc trưng văn hóa của các quốc gia đó trong sự phát triển kinh tế. Thực tế đó đã bắt buộc chúng ta không chỉ thừa nhận sự tác động của các yếu tố văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế, mà còn đi sâu xem xét vai trò của văn hóa cũng như tầm quan trọng của việc đưa các yếu tố văn hóa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên, ông F. Mayor – Tổng Giám đốc Unessco đã đưa ra nhận định: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra mà tách rời môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về kinh tế lẫn văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc bị yếu đi rất nhiều”.

Thật vậy, văn hóa và kinh tế vốn nằm trong quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau, qui định và tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển của mọi quốc gia. Vấn đề này, trong nhiều năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu nêu lên vai trò của các nền văn hóa phương Đông (những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, những nhân tố tích cực của Khổng giáo, Phật giáo, Hồi giáo,..) trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế năng động của các quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương. Kinh nghiệm thực tế cho thấy kinh tế không thể phát triển lành mạnh và lâu bền nếu thiếu nền tảng văn hóa. Và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế, mà còn có một sức mạnh tinh thần lớn lao tác động ngược đối với kinh tế. Nếu lợi nhuận do kinh tế đem lại chia cắt mọi người, phân hóa xã hội thì văn hóa lại đóng vai trò nối kết con người với nhau. Với mối quan hệ đó, thì sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc chỉ có thể năng động, hiệu quả, có tốc độ cao trên cơ sở các quốc gia đó đạt được sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa kinh tế và văn hóa. Mục đích của kinh tế là lợi nhuận, còn gía trị của văn hoá là hướng về chân -thiện - mỹ. Nếu thiếu văn hóa trong kinh tế sẽ làm kinh tế đi lệch hướng, trái với giá trị nhân văn. Do vậy, đánh giá một quốc gia phát triển không chỉ dựa vào mức độ tăng trưởng kinh tế mà còn chú ý đến chất lượng cuộc sống, sự giàu có về vật chất và phong phú về tinh thần.

Đến Văn hóa trong kinh doanh

Theo đà tăng trưởng mạnh của kinh tế thế giới cùng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ, nội hàm của văn hóa kinh doanh ngày càng có thêm nhiều yếu tố mới, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận, xem xét một cách có hệ thống, thích hợp với từng nền văn hóa bản địa. Trên thế giới, quan niệm khoa học về văn hóa doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện rõ nét dần đầu những năm 70, rồi nở rộ trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu mối quan hệ giữa hoạt động của doanh nghiệp, thành tựu của doanh nghiệp và nội dung văn hóa của doanh nghiệp đó. Họ nhận thấy rằng hầu hết các công ty thành công đều duy trì, gìn giữ nền văn hóa doanh nghiệp của mình. Có sự khác biệt giữa các nền văn hóa trong các công ty. Mỗi nền văn hóa khác nhau có thể đưa ra một hệ thống văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Theo ông A. Urata, văn hóa truyền thống của Nhật Bản, do hoàn cảnh sau chiến tranh thế giới đã tạo ra những nét đặc trưng. Đó là những người lao động Nhật Bản thường làm việc suốt đời cho một công ty, công sở. Họ được xếp hạng theo bề dày công tác. Trong các công ty của Nhật Bản đều có tổ chức công đoàn. Các quyết định sẽ được ra theo quyết định của tập thể và các hoạt động đặc trưng đó có tên là Kaizen. Nền văn hóa doanh nghiệp đã mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng. Nếu doanh nghiệp thiếu vốn có thể đi vay, thiếu nhân lực có thể bổ sung thông qua con đường tuyển dụng, thiếu thị trường có thể từng bước mở rộng thêm, các đối thủ cạnh tranh có thể bắt chước và đi mua tất cả mọi thứ hiện hữu nhưng lại không thể bắt chước hay đi mua được sự cống hiến, lòng tận tụy và trung thành của từng nhân viên trong doanh nghiệp. Khi đó, văn hóa doanh nghiệp làm nên sự khác biệt và là một lợi thế cạnh tranh.

Nói đến văn hóa kinh doanh, người ta thường nhắc đến đạo đức kinh doanh và xem đây là một vấn đề quan trọng của văn hóa trong kinh doanh. Chẳng phải vô cớ mà trong nhiều năm qua một ngạn ngữ Ấn Độ được lưu truyền trong giới doanh nghiệp ở các nước phát triển: “Gieo hành vi gặt thói quen; gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận”. Điều này hàm ý sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ đến từ chất lượng của bản thân các sản phẩm – dịch vụ cung ứng mà còn chủ yếu từ phong cách kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi kinh doanh thể hiện tư cách của doanh nghiệp và chính tư cách ấy tác động trực tiếp đến thành bại của tổ chức. Đạo đức kinh doanh, trong chiều hướng đấy, trở thành một nhân tố chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp. Hai giải Nobel về kinh tế học năm 1994 và 2005 đã làm rõ nét thêm một phần về vấn đề đạo đức trong kinh doanh:  “Trạng thái cân bằng của Nash” minh chứng là trong một thị trường cạnh tranh, điểm cân bằng tối ưu chỉ có thể hình thành trên cơ sở của sự liên kết hoặc/ và sự tin tưởng giữa các đối tác chứ không thể trên nền tảng của sự lừa dối lẫn nhau. “Lý thuyết trò chơi” của Schelling và Aumann, xác nhận là trong cạnh tranh kinh tế, nếu mỗi đối tác đều mù quáng chạy theo quyền lợi riêng tư của mình thì rốt cuộc tất cả đều bị thua thiệt nặng nề. Hơn nữa tôn trọng luân lý xã hội và thực hiện đạo đức kinh doanh chính là những hành vi đầu tư vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này, cũng làm nổi bật cho luận cứ “Ethics Pays” (“đạo đức được trả công”) cơ bản như sau: thực hiện những hành vi mang tính đạo đức kinh doanh không nhất thiết luôn luôn phải có những chi phí kèm theo. Ngược lại, mọi hành vi phi đạo đức trong kinh doanh đều luôn luôn chịu cái giá phải trả và giá ấy thường là rất đắt so với cái lợi đã thu được. Mặt khác, vấn đề văn hóa trong kinh doanh còn phải tính đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nếu muốn hoạt động thành công trong một thị trường toàn cầu đa văn hóa như hiện nay. Chính sách trách nhiệm xã hội là một trong những yếu tố quyết định trong việc hình thành hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong xã hội. Một cuộc điều tra với 25000 người tiêu dùng ở 13 quốc gia cho thấy, có đến 60% coi trách nhiệm xã hội là yếu tố tiên quyết trong việc xác định hình ảnh của một thương hiệu và nếu tính đến giá cả và chất lượng như nhau, 76% số người được hỏi cho biết họ sẽ chọn hàng hóa của công ty có trách nhiệm xã hội cao.

Tóm lại, tất cả những vấn đề trên đòi hỏi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa công ty, cần có triết lý kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Doanh nghệp cần thể hiện tính nhân văn, triết lý lấy con người làm gốc ngay trong các mối quan hệ nội bộ cũng như những chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Đó cũng là điều mà người ta gọi là xây dựng thương hiệu từ bên trong. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp chính là “tài sản vô hình” đang mang lại lợi thế tiềm tàng cho doanh nghiệp trong một thế giới đầy biến động như ngày nay.


Số lượt người xem: 559    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm