SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
8
6
2
0
Bản tin quận 16 Tháng Tư 2019 8:50:00 SA

Hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” một loại hình mê tín dị đoan

 

Thời gian qua, hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” xuất hiện ở một số địa phương ở nước ta gây hoang mang dư luận xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Ban tôn giáo Chính phủ tại Công văn số 276/TGCP-TGK ngày 25/3/2019 về việc hiện tượng “Búp bê Kuman thong”, qua nghiên cứu, Bản tin Quận 5 cung cấp thông tin về hiện tượng này như sau:

Khái quát về “Búp bê Kuman Thong”:

Kuman Thong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, “Kuman” có nghĩa là “Cậu bé thanh tịnh” (hay “Kumara” là “Cô bé thanh tịnh”), “Thong” nghĩa là “vàng”; “Kuman Thong” nghĩa là “Cậu bé vàng” hay còn được gọi là “Quỷ linh nhi”.

Theo các tu sĩ Phật giáo Thái Lan, ban đầu “Búp bê Kuman Thong” được tạo ra với mục đích là giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Các nhà sư cho rằng, khi đứa trẻ chết đi, thân xác phân hủy nhưng linh hồn của chúng còn tồn tại và cần nơi trú ngụ, do vậy các nhà sư (hoặc thầy bùa) sẽ lấy một bộ phận trên xác chết hài nhi (tóc, móng tay, chân, xương…) để tạo thành bùa, sau đó yểm vào một vật cụ thể như búp bê. Con búp bê sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của đứa trẻ bị chết, được đặt ở trong nhà và được chăm sóc như một đứa trẻ, được nghe Kinh Phật để tạo nghiệp lành, xóa bỏ nghiệp dữ trong quá khứ, qua đó chúng sẽ được tái sinh vào nơi tốt hơn.

Búp bê Kiuman Thong không được coi là một phần trong Phật giáo chính thống, nhưng nó phổ biến ở Thái Lan từ thời cổ đại. Cùng với sự tuyên truyền về khả năng siêu nhiên của búp bê, các pháp sư, đạo sĩ đã “biến tướng” và sử dụng nguyên một thai nhi sấy khô rồi tạo ra “Búp bê Kuman Thong” nhằm làm tăng giá trị cũng như tính thần bí của loại búp bê này.

Theo các bản chép tay của người Thái từ hàng trăm năm trước, Kuman Thong được tạo ra bằng cách lấy bào thai khỏi xác người mẹ, sau đó thầy phù thủy đưa đến nghĩa trang để tiến hành nghi lễ gọi hồn Kuman Thong. Kết thúc nghi lễ gọi hồn, bào thai được sấy trên lửa đến khi khô lại, được sơn một lớp Ya Lak (một loại sơn mài được sử dụng làm bùa hộ mệnh) và Takrut (hỗn hợp trộn với vàng lá). Cuối cùng là bọc bào thai vào trong vàng lá để hoàn thành một Kuman Thong. Ngoài ra, còn có cách khác làm Kuman Thong là bào thai được ngâm vào trong Nam Man Phrai (một loại dầu chiết xuất bằng cách đốt một ngọn nến gần cằm của một đứa trẻ đã chết hoặc một người đã chết một cách bất bình thường), tuy nhiên cách này ít phổ biến hơn vì là hành vi bất hợp pháp.

Hiện nay, để làm một “Búp bê Kumann Thong”, người ta phải tìm những phụ nữ đang mang thai đã chết không quá 21 ngày để lấy bào thai và tiến hành các công đoạn nói trên. Nhu cầu này dẫn đến một hệ lụy là ở Thái Lan, nhiều bệnh viện liên tục bị đánh cắp thai nhi sinh non, mộ các bà mẹ đang mang thai cũng thường xuyên bị trộm,… Vì vậy, pháp luật Thái Lan nghiêm cấm việc chế tạo và sử dụng “Búp bê Kuman Thong”, song những đồn thổi không ngừng về quyền năng siêu phàm khiến cho nó vẫn là một thứ hàng phi pháp đắt giá, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng tùy vào chất liệu, hình dáng và “năng lực” của mỗi loại. Người thờ “Búp bê Kuman Thong” chủ yếu là giới kinh doanh, buôn bán với nhiều mục đích như: tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt); kính ái (tạo tình cảm); tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm, mách bảo trước những chuyện nguy hiểm…); hàng phục (phá phách đối thủ); câu triệu (gọi người đi xa)…

Tại Việt Nam, việc thờ cúng “Búp bê Kuman Thong” xuất hiện tại một số địa phương như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Nghệ An, Ninh Thuận,… chủ yếu là ở một bộ phận nhỏ doanh nhân, người buôn bán, thậm chí có cả những đối tượng là trộm cướp, lừa đảo,… Việc mua, bán “Búp bê Kuman Thong” không khó khăn khi có hàng chục hội, nhóm kín được lập ra trên mạng xã hội chuyên trao đổi, buôn bán và chăm sóc “Búp bê Kuman Thong” như: “Nhóm nuôi và chăm sóc linh nhi – Bùa kinh doanh” (12.000 thành viên), “Nhóm nuôi Kuman Thong” (10.800 thành viên), “Nhóm mua bán bùa (7.500 thành viên), “Nhóm nuôi và chăm sóc Kuman Thong đúng cách tại Việt Nam (10.776 thành viên),  “Nhóm nuôi và chăm sóc Kuman Thong đúng cách tại Hải Phòng”,… Trên các diễn đàn này, thành viên thường chia sẻ cách chăm sóc búp bê như cách cho ăn, cách dạy dỗ khi “con” hư,…

Do lợi nhuận từ việc buôn bán “Búp bê Kuman Thong” không nhỏ, trong khi chất lượng không thể kiểm chứng nên các đối tượng xấu đã cố ý thổi phồng sự thật về “Búp bê Kuman Thong”, buôn bán “Búp bê Kuman Thong” giả, lừa gạt những người cả tin nhằm trục lợi.

Hướng giải quyết đối với hiện tượng “Búp bê Kuman Thong”:

Hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam; làm tổn hại kinh tế và nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép của những người tin theo. Nếu việc sản xuất, mua bán, sử dụng hiện tượng này không được ngăn chặn kịp thời, để trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội như: gia tăng các hoạt động mua, bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội,…

Hiện nay pháp luật có những quy định để xử lý những vấn đề liên quan  đến việc sản xuất, buôn bán, thờ cúng “Búp bê Kuman Thong”. Trong đó, có một số văn bản quy phạm pháp luật như:

- Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến lấy xác năm 2006 có Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/3/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, torng đó quy định xử phạt về hành vi yểm bùa, phù chú để trục lợi; hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe,nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.

- Luật đầu tư năm 2014 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, trẻ em, bào thai.

- Bộ Luật hình sự năm 2015 có Điều 154 quy định “tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” Điều 320 quy định về “tội hành nghề mê tín dị đoan”.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo có Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có: “Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự của người khác”, “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.


Số lượt người xem: 1236    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm