SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
6
0
4
Bản tin quận 29 Tháng Năm 2017 8:45:00 SA

“Phố tranh” đường Trần Phú

 

Người xưa xem “cầm - kỳ - thi - họa” là bốn thú chơi tao nhã của kẻ sĩ, trong đó cầm có nghĩa đen là cây đàn, nhưng bao gồm cả đàn, hát và sáng tác nhạc; kỳ là chơi cờ; thi nghĩa là thơ, gồm sáng tác, xướng, họa và ngâm thơ; họa là vẽ tranh. Nếu tầng lớp trí thức của xã hội Việt Nam xưa được gọi là kẻ sĩ, xếp đầu danh sách “sĩ, nông, công, thương”, thì người hoạt động nghệ thuật cũng được vinh danh là sĩ: thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… chỉ riêng có người chơi cờ là không được gọi “kỳ sĩ”, có lẽ do đặc điểm thắng, thua, sát phạt tới cùng của môn chơi cờ này.

Về vẽ tranh, nước ta vốn có một trường phái độc đáo cổ truyền là tranh sơn mài, không “đụng hàng” với bất kỳ trường phái nào nào trên thế giới. Ngoài tranh vẽ sơn mài, còn có sơn mài khảm ốc xà cừ, cẩn đá quý… Tranh thêu tay cũng là một sản phẩm đặc sắc khác, là một di sản văn hóa quý của cha ông lưu truyền đã nhiều đời. Đến thời nay, tranh không chỉ là sản phẩm nghệ thuật, mà có thêm các giá trị là sản phẩm hàng hóa và trong cuộc đua chen tranh sống thời kinh tế thị trường, sản xuất và kinh doanh tranh đang trở thành một nghề kiếm sống hấp dẫn.

Quận 5 có hẳn một đoạn đường Trần Phú, kéo dài vài trăm mét, từ ngã năm giao cắt với đường An Dương Vương đến gần ngã sáu giáp đường Nguyễn Văn Cừ, cửa hàng bán tranh nối nhau không dứt, khách bộ hành ngang qua cứ ngỡ mình đi trên một con đường nghệ thuật. Ước tính có gần 90 cửa hàng tranh hoặc khung tranh, vật tư ngành sản xuất tranh… ở trên đoạn đường này, trở thành một “phố tranh” tập trung đông đảo và hùng hậu nhất thành phố, vượt xa một số địa điểm bán tranh khác ở đường Pasteur, đường Đồng Khởi… về mặt số lượng cửa hàng. Khách có nhhu cầu mua tranh, khi đến, có thể bị bất ngờ về sự đa dạng của các thể loại tranh tại đường Trần Phú. Căn cứ vào chất liệu làm nên bức tranh, nội dung tranh lẫn phương pháp làm tranh đều có chỗ khác biệt vô cùng lớn.

Chẳng hạn, nếu chỉ phân loại tranh xét theo chất liệu cấu thành, có thể kể: tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranhh thêu, tranh cẩn đá quý, tranh đúc đồng, tranh phủ nhủ đồng, tranh lụa, tranh giấy, tranh gạo, tranh cát, tranh thêu, tranh giấy ép gỗ, tranh in sơn dầu, tranh in công nghệ 2D, 3D, tranh nền vải nhung… Xét về nội dung là tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh phù điêu, tranh tượng, tranh tôn giáo, tranh thư pháp, tranh sao chép, tranh sáng tác… Chưa kể mỗi loại tranh lại còn chia ra làm những hệ pháo khác biệt nhau. Tranh sơn dầu loại vẽ trơn, loại đắp nổi. Tranh thêu kiểu chữ thập thông thường, thêu trường phái Hà Nội, trường phái Lâm Đồng đều khác. Tranh sơn mài vẽ trơn, sơn mài đắp nổi phù điêu, sơn mài khảm ốc xà cừ hay khảm ngọc trai…

Sự đa dạng và phong phú của sản phẩm tranh khó thể kể xiết, chỉ biết rằng người đi mua tranh rất dễ rơi vào một ma trận về giá cả và chất lượng, mặc dù giá tranh ở đường Trần Phú không đắt, hầu hết là loại bình dân, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/bức tranh. Một số loại tranh đắt tiền như tranh đúc đồng, tranh cẩn đá quý có giá vài trăm triệu đồng gần như không bán được ở đây, nên chỉ trưng bày mẫu nhỏ, chào hàng, khách muốn mua phải đặt trước mới có.

Loại tranh “vô giá” là tranh sáng tác, độc bản, do một số “thợ vẽ” lâu nay, cứng tay nghề tạo ra, thỏa mãn thú chơi tranh không đụng hàng của một số người mua.

Điều đáng nói ở đây là thời buổi kinh tế thị trường, bức tranh từ sản phẩm nghệ thuật trở thành hàng hóa, đồng thời cũng xuất hiện thêm nghề mới được gọi là “thợ vẽ”, vừa làm vừa học nghề riết rồi cũng thành thạo, hưởng lương thợ. Cũng không rõ vì sao, hầu hết thợ vẽ trên đường Trần Phú đều là người gốc Nam Định, miền Bắc, là “đội ngũ kỹ thuật viên” chính của phố tranh Trần Phú, Quận 5.

Như mọi thứ hàng hóa khác, tranh từ Trung Quốc cũng có mặt tại phố tranh, thường là loại tranh giấy ép gỗ. Riêng phần khung tranh, anh Hầu Cẩu, chủ tiệm tranh Minh Phương, số 74, đường Trần Phú nhận xét: 90% khung tranh trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc, trừ một ít loại tranh như sơn mài chẳng hạn là không dùng khung Trung Quốc thôi…! Vì sao? Vì khung tranh Trung quốc dù làm bằng nhựa nhưng nhìn bên ngoài rất đẹp, loại y như khung gỗ, loại y như khung đồng… giá lại rẻ nên các tiệm tranh ở đây đều ưa chuộng.

Ngược với nhiều loại hàng hóa khác thường bán chạy vào thời điểm cuối năm - trước Tết Âm lịch, đầu năm thì ế ẩm, khu vực phố tranh Trần Phú lại “vào mùa” bán hàng xôm tụ nhất dịp đầu năm, sau Tết, với khách hàng chính là bà con Việt kiều từ các nước về ăn Tết, xong mua tranh mang ra nước ngoài, mua xài cũng có, làm quà biếu cũng có. Rinh một “em” Mona  Lisa của danh họa Ý thế kỷ 16 Leomardo da Vinci bằng chất liệu sơn dầu y như bản gốc về treo trong phòng khách ở Mỹ, giá chỉ 600.000đ, quả là giá “bèo”, nhưng cũng oai lắm…! (Ít ra ta đây cũng biết thưởng thức nghệ thuật) dù ai cũng biết là hàng nhái.

Giá cả bình dân, hàng hóa phong phú, khu vực đường Trần Phú lôi cuốn khách hàng và dần trở thành một “chợ tranh” lớn nhất nước, khiến các lò sản xuất tranh cũng phải tìm cho mình một điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đây. Tranh trưng bày ở nhiều cửa hàng phần lớn cũng từ các lò sản xuất ký gởi, do vậy, mở bán tranh không cần nhiều vốn, lợi nhuận hấp dẫn, “phố tranh” đang ngày một đông đúc, góp phần tô điểm sự đa dạng cho một trung tâm thương mại lớn như Quận 5.


Số lượt người xem: 6384    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm