SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
9
1
1
0
Bản tin quận 02 Tháng Giêng 2019 10:50:00 SA

Gia đình Việt Nam – Giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại

 

Văn hóa luôn có tính lịch sử và tính xã hội, nên gia đình hiện đại phải dựa trên nền tảng từ những yếu tố cơ bản của truyền thống dân tộc. Đó là những lề lối, gia phong, phép tắc và khuôn khổ mà mỗi gia đình, dòng họ đã tạo thành “mã di truyền văn hóa” tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và dù gia đình truyền thống hay hiện đại đều có một mục đích cuối cùng là xây dựng gia đình yên vui, hạnh phúc, mãi mãi là tổ ấm vĩnh hằng với những mỹ tục đáng yêu của dân tộc hòa chung trong dòng chảy văn hóa gia đình của nhân loại.

Nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam

Trong lịch sử của loài người, quan hệ nhân loại đã bắt đầu từ quan hệ trong gia đình. Vì thế, gia đình và văn hóa gia đình ở Việt Nam là những vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải ở những góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đều thống nhất rằng gia đình là: tế bào của xã hội, một thiết chế cơ sở, đặc thù của xã hội và bảo tồn nòi giống; tạo ra kinh tế; tổ chức đời sống tập thể; có chức năng giáo dục; thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý và tình cảm...” Trong tâm thức người Việt, họ luôn luôn nhớ về tổ ấm gia đình, cội nguồn, nơi mình được sinh ra, lớn lên trong lời ru của mẹ, tình thương yêu của cha. Để rồi khi lớn lên và trưởng thành hòa mình vào sắc màu của cuộc sống, bộn bề công việc giữa đời thường, nhưng mối quan hệ với gia đình vẫn được duy trì bền chặt như một giá trị vĩnh hằng, bất biến. Không phải ngẫu nhiên, cái nôi gia đình được kết hợp với nhà trường và xã hội là 3 môi trường giáo dục cần thiết cho sự hoàn thiện của mỗi người. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: giai đoạn giáo dục trong gia đình là cơ sở quan trọng để hình thành tài năng, nhân cách con người. Gia đình cũng là nơi con người cảm thấy yên tâm nhất, là nơi nuôi dưỡng cả thể chất và tâm hồn khi còn bé, là nơi có những phút giây đầm ấm, thanh thản sau những bộn bề lo toan công việc khi đã trưởng thành, và cũng là nơi nương tựa khi con người ta về già. Theo đó, trong xã hội truyền thống Việt Nam, vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người chiếm vị trí quan trọng. Ở đó, mỗi thành viên trong gia đình lại phải học, phải thực hiện những bổn phận nhất định. Nền nếp, gia phong trong mỗi gia đình người Việt truyền thống có thể khác nhau, song nhìn chung đều gắn với những phẩm chất cụ thể. Trong quan hệ phụ - tử, người Việt đề cao lòng nhân từ của bậc làm cha mẹ, đề cao chữ hiếu của con cái. Trong quan hệ huynh - đệ, người Việt dạy người làm anh phải yêu thương em, người làm em phải kính trọng anh. Đối với quan hệ phu - phụ, người Việt lấy chữ “hòa” dạy cho người làm chồng, chữ “thuận” dạy cho người làm vợ. Trong đó, chữ “hiếu” đặc biệt được đề cao và được coi là phẩm chất đứng đầu trong mọi đức hạnh. Điều làm nên giá trị chuẩn mực chính là gia thế, gia phong của gia đình với những quy định về lễ nghĩa chặt chẽ trong tất cả các mối quan hệ của các thành viên, như: quan hệ với ông bà, tổ tiên, quan hệ giữa con cái với cha mẹ, quan hệ vợ chồng, quan hệ anh chị em, và trong các mối quan hệ xã hội, như: đất nước, vua, hàng xóm, bạn bè… Gia đình truyền thống là nơi hình thành, giữ gìn và phát triển văn hóa của xã hội, thể hiện rõ nét qua vai trò của người phụ nữ. Người phụ nữ hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp: công - dung - ngôn - hạnh, chịu thương chịu khó, là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng… Họ còn là người gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác, giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con cái. 

Khác với truyền thống văn hóa phương Tây là đề cao vai trò của cá nhân, truyền thống người Việt với phẩm tính trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng cộng đồng đã tạo nên truyền thống văn hóa dân tộc, ăn sâu vào tư tưởng của mỗi người là luôn đề cao ý thức về gia đình, về cộng đồng, quốc gia mà mình từng gắn bó. Người Việt truyền thống quan niệm từ góc độ gia đình để đánh giá và nhìn nhận xã hội. Nếu gia đình ổn định thì xã hội ổn định. Người Việt thường lấy hình ảnh gia đình để hình dung xã hội, cho nên, mẫu hình chuẩn mực của người xưa thường là những người hiếu học, sống nhân nghĩa, đạo đức, có trật tự trên dưới, biết tôn trọng và có tinh thần tương thân tương ái. Từ đó, định hướng được những giá trị chuẩn mực cho xã hội phát triển bền vững. Vì lẽ đó, tính cộng đồng là một đặc điểm nổi bật, có ý nghĩa bao trùm trong gia đình truyền thống người Việt, thể hiện ở sự tôn trọng các mối quan hệ bên trong của mỗi thành viên. Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình nằm ở tình nghĩa, chứ không phải ở địa vị xã hội hay điều kiện vật chất. Có tình nghĩa, sự tôn trọng lẫn nhau theo tôn ti trật tự mới là yếu tố quyết định nền nếp, gia phong của gia đình. Điều này giải thích vì sao có những gia đình thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng vẫn giữ được nếp nhà; ngược lại có những gia đình dư thừa về điều kiện vật chất nhưng lại thiếu sự hòa thuận, các giá trị truyền thống trong gia đình bị đảo lộn.

Sự biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt hiện nay

Biến đổi là một thuộc tính, đồng thời cũng là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan. Các ẩn tàng văn hóa như giá trị, quan niệm, đức tin, thói quen, phong tục, cấm kỵ… theo thời gian và trong sự tương tác với các nền văn hóa khác, ở mức độ khác nhau, luôn thay đổi theo hướng chối bỏ và tiếp nhận, loại trừ và sáng tạo nhằm duy trì sự tồn tại, gia tăng sự phát triển và bảo toàn tính bản sắc của nền văn hóa đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam như sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường, truyền giáo, du lịch, hôn nhân dị chủng, di dân, nhu cầu của con người,.. Gia đình truyền thống Việt Nam đã và đang có sự biến đổi sâu sắc về các giá trị văn hóa, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới. Đó chính là sự biến đổi mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Gia đình Việt Nam đương đại chủ yếu là gia đình hạt nhân (nuclear family), số lượng các thành viên trong gia đình cũng giảm, mỗi gia đình chỉ nên có hai con, cùng với nó là sự mất cân bằng giới. Trong xã hội Việt Nam đương đại, quan niệm sống, sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là sự giáo dục về nhân cách, lối sống cho con cái trong gia đình người Việt đã và đang dần bị phai nhạt. Thậm chí nhiều bố mẹ trẻ cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ Việt Nam không có phương hướng để lựa chon lối sống cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội và đất nước. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại mang tính dân chủ, xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình và trường học, ly hôn, sống thử,.. Lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu về mưu sinh, về kinh tế, khẳng định vị trí của mọi thành viên trong gia đình. Nước ta đang bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa có nhiều nhà máy, khu công nghiệp hình thành, mọi người ở nông thôn và thành thị đều có những cơ hội tìm kiếm việc làm, các phương tiện truyền thông đại chúng cùng với kinh tế thị trường làm cho con người quá coi trọng đồng tiền và đề cao vai trò cá nhân nên đã tác động và làm biến đổi về lối sống như quan hệ nam nữ, lối sống thực dụng, lối sống ích kỷ cá nhân, giả dối, chuộng ngoại, thích hưởng thụ, coi thường tình cảm gia đình, xem nhẹ các giá trị truyền thống,..Những nguyên nhân kể trên làm cho hệ giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam biến đổi, làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ.

Phát huy giá trị truyền thống gia đình Việt trong quá trình hội nhập

Để tồn tại và phát triển gia đình truyền thống Việt Nam đã biến đổi về các giá trị văn hóa truyền thống là quy luật tất yếu, nó được nhìn nhận trên hai phương diện những giá trị văn hóa tiến bộ và những giá trị văn hóa không phù hợp. Mặc dù vậy, gia đình Việt Nam đương đại vẫn có những giá trị và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Một nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp đã khẳng định rằng: “Gia đình Việt Nam vẫn là nơi chuyển giao và thực hiện các giá trị văn hóa truyền thống”. Những cuộc điều tra xã hội học cho thấy gia đình vẫn là giá trị ưu tiên trong xã hội ta. Linh hồn của nó là thờ cúng tổ tiên vẫn còn thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, bất kể giàu nghèo, sang hèn, thuộc mọi tôn giáo kể cả đối với người vô thần.

Tuy vậy, trong trào lưu hội nhập và nhất là quá trình “toàn cầu hóa” hiện nay, người Việt cần phải lấy giá trị gia đình làm giá trị trung tâm trong mọi giá trị của đời sống văn hóa xã hội, tạo sức mạnh cho toàn xã hội. Biết chọn lọc con đường riêng cho mình, hướng tới phục vụ cho con người và cộng đồng. Đó chính là những giá trị về sự tôn trọng đạo đức làm người, lối sống, cách sống được chắt lọc từ truyền thống và tiếp nhận những giá trị mới của hiện đại, ra sức học tập, nâng cao năng lực nhận thức và trí tuệ của con người Việt Nam. Ngày nay, với nhiệm vụ xây dựng con người mới, không những phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình mà còn phải phát huy tính tích cực của nó. Nếp sống gia đình, trước hết là dạy con cháu là phải lễ phép, luôn kính trên nhường dưới, kín đáo trong trang phục. Giáo dục gia đình còn chú trọng đến tình thương yêu đồng loại, lẽ phải, sự hoà thuận, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau. Phải biết “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Bên cạnh đó, việc tạo được môi trường sống trong gia đình lành mạnh, một không gian văn hóa gia đình ấm cúng, tràn đầy tính truyền thống, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, hy sinh cho nhau, chứ không phai là sự so đo, ganh tỵ, không đặt lợi ích cá nhân, mục đích kinh tế, tiền bạc trên các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cho các thành viên trong gia đình ý thức được rằng việc tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thông trong gia đình đó không chỉ là nghĩa vụ của mỗi người mà còn là nhu cầu cần thiết của cuộc sng.


Số lượt người xem: 1808    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm