SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
3
4
2
4
Bản tin quận 17 Tháng Giêng 2018 8:45:00 SA

Sự lựa chọn đúng thời cơ, lãnh đạo sáng suốt của Đảng làm nên thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968  được ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta như một mốc son tiêu biểu, một bước ngoặt quyết định – đòn tấn công chiến lược, bất ngờ với quy mô lớn vào sào huyệt của đối phương ở các thành phố, thị xã lớn trên toàn miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm xâm lược của đế quốc Mỹ. Đây là một cuộc tập dượt lớn cho tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự để vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời nói lên sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta.

Tháng 6/1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục tính toán một chiến lược có ý nghĩa quyết định, tạo bước ngoặt cho chiến tranh. Theo đó, nếu không tranh thủ thời cơ, đi sớm một bước thì sang năm 1968, cách mạng Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi quân đội Mỹ, dưới áp lực của dư luận nước Mỹ, buộc phải dốc toàn lực thực hiện một hành động quân sự lớn để phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách Mỹ muốn. Một yếu tố chính trị mà Bộ Chính trị cũng đã nhận thấy rằng năm 1968 là năm bản lề  trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khi mà các mâu thuẫn chính trị tại Mỹ bị đẩy lên cao mà dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm tới tình hình thời sự chính trị. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị trong dự thảo kế hoạch, cần phải tính đến các “yếu tố chính trị” sẽ diễn ra vào năm 1968 tại Mỹ để khoét sâu vào mâu thuẫn ở chính nước Mỹ. Từ phân tích đó, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương: “Nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại còn phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, buộc Mỹ phải thua”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 7 và tháng 8 năm 1967, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6 và chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Trong khi “Tổ kế hoạch” còn đang suy nghĩ tìm cách đánh mới thì Tổng Bí thư Lê Duẩn khi trao đổi với Quân ủy Trung ương về kế hoạch chiến lược năm 1968 đã đề xuất giải pháp đánh thẳng vào sào huyệt địch trong các thành phố, thị xã. Ý kiến của đồng chí Bí thư Lê Duẩn được Quân ủy Trung ương và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tán thành và trở thành ý định quyết tâm chiến lược năm 1968: chuyển hướng tiến công chiến lược chủ yếu từ rừng núi, nông thôn vào đô thị, nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Từ kế hoạch chiến lược năm 1968 do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị, hai cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng 10 và tháng 12/1967 đã ra nghị quyết và trở thành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giàng thắng lợi quyết định”(1). Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh  của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh.

Tuy nhiên, so sánh tương quan quân giải phóng và quân Mỹ về quân số, vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại đều thua kém rất nhiều lần, nên đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều gần như không thể thực hiện được. Do đó, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương: “Phải tìm cách đánh mới khác với cách đánh truyền thống và đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí, chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm cách chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam ”(2).

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Quân ta đã tập kích chiến lược vào hầu hết các đô thị trong đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (giao thừa Tết Mậu Thân). Qua 03 đợt (đợt 1 trong tháng 01 và tháng 02; đợt 2 trong tháng 5 và tháng 6; đợt 3 trong tháng 8 và tháng 9 năm 1968) ta đã tiến công và nổi dậy ở 37 trong 44 thị xã, 5 trên 6 thành phố lớn, hàng trăm thị trấn, quận lỵ và nhiều vùng nông thôn; ở Sài Gòn ta đã đánh thẳng vào nhiều vị trí trung tâm đầu não của đối phương. Trong đợt thứ nhất, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 150.000 tên địch (trong đó có 43.000 tên Mỹ), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Nhưng do lực lượng địch vẫn còn đông, cơ sở của chúng ở thành thị còn mạnh nên chúng đã nhanh chóng phản công ở cả thành thị và nông thôn.

Mặc dù cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 chưa mang đến thắng lợi trọn vẹn là giải phóng miền Nam và còn một số đánh giá chưa thống nhất. Nhưng chúng ta phải nhận thấy rằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ lớn nhất đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nó mang lại những chiến thắng to lớn, mà lớn nhất là làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng Việt Nam bằng quân sự, dù Mỹ có chi viện cho chính quyền ngụy Sài Gòn nhiều lính Mỹ và vũ khí hiện đại. Thắng lợi này cũng tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam; đã đánh bại “chiến tranh cục bộ” và buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh ở miền Nam, ngừng nắm bom bắn phá miền Bắc (tháng 11/1968). Đồng thời, cùng với thắng lợi của quân dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đã buộc Mỹ phải đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Paris (từ tháng 5/1968) để bàn về việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Nhìn nhận lại lịch sử chúng ta còn nhận thấy: Nếu không có những cao trào cách mạng 1930- 1931, 1936-1939 và 1939 – 1945 thì không có cuộc Cách mạng tháng Tám thành công; nếu không có những chiến thắng Thu – Đông 1947, chiến thắng Biên giới 1950 và chiến thắng Đông – Xuân 1952 thì cũng không có được thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; và tất nhiên, nếu không có Mậu Thân năm 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 01/1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn quyết định mở đầu quá trình Mỹ rút quân và quá trình Mỹ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa để đi đến kết thúc chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nổ ra và thu được những thắng lợi đã cho chúng ta thấy rõ tài thao lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đã biết giàng thắng lợi từng bước, quan trọng nhất là đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ , buộc Mỹ sau này phải rút khỏi Việt Nam vô điều kiện, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang mục tiêu “đánh đổ chính quyền tay sai của ngụy quyền Sài Gòn tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn”. Đánh giá về thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ Quốc”(3). Bộ Chính trị đánh giá: “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris, chấm dứt ném bom không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh”(4).

Diễn biến và kết quả thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cũng đã minh chứng sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Trung ương Cục miền Nam biết chọn đúng thời cơ để giành thắng lợi.

1. Trích Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 1/1968 thành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14.

2. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập V, trang 45.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 731.

4. Báo cáo Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khóa III).


Số lượt người xem: 868    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm