SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
7
8
8
9
Bản tin quận 19 Tháng Ba 2018 1:50:00 CH

Hiệu quả dạy và học theo hướng phát triển năng lực tại trường tiểu học Trần Bình Trọng

 

Trường tiểu học Trần Bình Trọng thuộc Phường 2 Quận 5, tọa lạc trong khuôn viên Giáo xứ Chợ Quán với diện tích 2170 m2 gồm khu A và B. Trường có 30 phòng học với 1158 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường gồm 96 người. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, cùng sự chia sẻ đồng hành của phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất nhà trường ngày càng được cải thiện khang trang, sạch đẹp với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu dạy và học trong thời đại công nghệ mới.

 

Học sinh trong giờ học môn Lịch sử

Trong năm học vừa qua, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Thông tư 30/2014, Thông tư 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học; tập thể cán bộ, giáo viên trường tiểu học Trần Bình Trọng đã có những điều chỉnh, đổi mới trong tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng phát triển năng lực và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

* Phát triển năng lực đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, giáo viên dạy học theo hướng phát triển năng lực không chỉ là người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin và truyền thụ kiến thức cho học sinh ở trên lớp, mà còn là người tổ chức, hướng dẫn quá trình học tập của học sinh trong các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa; là người tạo động lực và điều kiện để mỗi học sinh được học và phát huy hết tiềm năng vốn có của mình; là người tổ chức học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học theo hướng phát triển năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách.

Xuất phát từ vị trí, vai trò và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của người giáo viên trong thời đại mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định cần phải xây dựng một kế hoạch mang tính chiến lược ngay từ đầu mỗi năm học để phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ “dạy” đạt chất lượng và hiệu quả, bởi đội ngũ giáo viên chính là nhân tố quyết định trong công tác giáo dục và đào tạo trong nhà trường.

Theo đó, thông qua hàng loạt các buổi tập huấn, bồi dưỡng, báo cáo chuyên đề do Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và trường tổ chức, Ban Giám hiệu đã tạo điều kiện cho tất cả các giáo viên được tham dự để học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn. Nhờ đó, giáo viên nhận biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc  dạy học theo hướng phát triển năng lực; biết sử dụng một cách linh hoạt và phù hợp các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh (như kỹ thuật đặt câu hỏi, kỹ thuật khăn phủ bàn, kỹ thuật các mảnh ghép, kỹ thuật học tập hợp tác…); đồng thời biết sử dụng hiệu quả bảng tương tác, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiết dạy…

Bên cạnh đó, nhằm giúp giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp, Ban Giám hiệu cũng đã định hướng cho các tổ, nhóm từng bước nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn. Giờ đây những cuộc họp sinh hoạt chuyên môn hằng tuần của giáo viên không đơn thuần chỉ là nhận xét công tác tuần qua, thảo luận hoạt động cho tuần mới; mà mục tiêu chính của các buổi sinh hoạt này là phải hướng tới mục tiêu “đồng nghiệp giúp đồng nghiệp vươn lên” để hoàn thành tốt hoạt động giảng dạy với nhiều hình thức, nội dung hoạt động thiết thực như: tập thể tổ cùng thiết kế một bài soạn trên bảng tương tác, cùng tìm ra những phương pháp và kỹ thuật giảng dạy phù hợp, hoặc cùng hỗ trợ nhau khi lên tiết thao giảng tại trường, thao giảng cấp quận, cấp thành phố. Qua các buổi sinh hoạt đó đã tạo cơ hội để các thầy cô lớn tuổi cũng như các giáo viên trẻ tuổi, giáo viên mới vào nghề có sự gắn bó, cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng nhìn nhận, đánh giá một vấn đề, tạo sự hứng thú, đặc biệt là có tác dụng bổ khuyết những kiến thức mà giáo viên đang còn yếu, còn thiếu do chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm hoặc chưa được bồi dưỡng kịp thời (nhất là đối với một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế khả năng sử dụng tin học, ngoại ngữ; cũng như các giáo viên mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm quản lý lớp). Từ đó giúp giáo viên có sự tự tin, có niềm vui với nghề nghiệp, cùng nhau hợp tác để phát huy năng lực giảng dạy.

Đồng thời với các hoạt động nêu trên, Ban Giám hiệu cũng đã khuyến khích, động viên giáo viên ý thức tự giác, tích cực tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, tự làm mới mình sao cho bắt kịp với yêu cầu đổi mới của giáo dục.

Thông qua các hình thức, hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, chất lượng giáo viên trong trường ngày càng được nâng lên. Giáo viên năng động, tự tin, sáng tạo hơn trong công tác giảng dạy. Hầu hết giáo viên đều có kiến thức tốt về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, biết sử dụng bảng tương tác, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiết dạy. Số giáo viên mới về trường đã từng bước cập nhật về phương pháp giảng dạy phù hợp. Công tác phát triển năng lực đội ngũ giáo viên tại trường ngày càng đạt hiệu quả cao với 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và 92% giáo viên đạt trên chuẩn, đáp ứng hiệu quả việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh.

*  Phát triển năng lực học sinh:

Mỗi học sinh có trình độ và tiềm năng khác nhau. Do đó, giáo viên cần phải biết khơi dậy, đánh thức tiềm năng ấy. Nhận thức rõ điều này, trong những tiết học chính khóa, giáo viên đã tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập theo hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng tự học của học sinh, từ đó giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết, chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Theo tinh thần này, giáo viên không cung cấp, áp đặt kiến thức có sẵn mà là người tổ chức và chỉ đạo học sinh tiến hành các hoạt động học tập như nhớ lại kiến thức cũ, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...; tổ chức nhiều hoạt động học tập cho học sinh tương tác nhiều chiều: giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, kết hợp giữa học tập cá thể với học tập hợp tác theo nhóm, phát huy được các phương pháp dạy học tiên tiến hiện đại qua công nghệ thông tin, bảng tương tác. Từ đó, học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ học tập với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.

Bên cạnh các hoạt động chính khóa, nhà trường đã tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với các chuyên đề phong phú, các buổi ngoại khóa, dã ngoại, công tác xã hội từ thiện đã giúp cho các em trưởng thành và phát triển tốt về nhân cách. Điển hình như thông qua hội thi kể chuyện đạo đức đã giúp các em có sự mạnh dạn, tự tin, ghi nhớ tốt, sử dụng ngôn ngữ lưu loát và vận dụng được các từ ngữ, biện pháp tu từ để câu chuyện kể thật sự cuốn hút người nghe. Một số hoạt động chuyên đề ngoài giờ lên lớp vào mỗi tuần như chuyên đề: Kỹ năng giao tiếp – xây dựng văn hóa trường học; Kỹ năng tư duy toán học; Chúng em học tốt môn tiếng Anh; Giáo dục tính thẩm mỹ qua môn Mỹ thuật; Giao lưu các gương chăm ngoan tích cực; Tinh thần tiết kiệm; Đoàn kết – Hòa bình – Hữu nghị; Bảo vệ môi trường; Tri ân thầy cô; An toàn giao thông trường học; Chúng em hướng về biển đảo thân yêu; Chúng em tự hào về đất nước Việt Nam,… cũng giúp các em phát triển năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực ghi nhớ và phát triển ngôn ngữ, năng lực trình bày và hợp tác tốt.

Trong một số hoạt động tham quan, giáo viên còn tạo điều kiện giúp các em được trải nghiệm, phát huy cùng lúc nhiều năng lực phối hợp nhau, như các buổi trải nghiệm tại Thảo Cầm Viên đã giúp các em phát huy năng lực tự quản lý, năng lực giao tiếp và năng lực hợp tác. Qua việc quan sát đời sống các loài động vật, thực vật, các em biết vận dụng những kiến thức thực tế vào tiết học Tự nhiên xã hội và việc giáo dục môi trường cho các em cũng đạt hiệu quả hơn. Hoặc ngày hội “Em viết đúng, viết đẹp” đã phát huy năng lực sáng tạo của học sinh qua chữ viết.

Các hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ của Liên đội cũng có tác dụng phát huy năng lực làm việc theo nhóm, khơi dậy sức sáng tạo của học sinh như ngày hội làm lồng đèn, làm ông già Noel, trưng bày mâm cỗ,… Các em tham gia hội thi “Nét vẽ xanh”, “Ý tưởng trẻ thơ”, “Giải toán trên internet”, hội thi Got Talent, trang trí lớp theo tinh thần VNEN, trình bày sản phẩm, tổ chức hoạt động đọc sách cũng phát huy được năng lực giải quyết vấn đề, tư duy, sáng tạo và năng lực làm việc hợp tác.  

Thông qua các hoạt động dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh, với sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Ban Giám hiệu, các giáo viên trong trường đã hoàn thành hiệu quả hoạt động “dạy” và học sinh đã thực hiện tốt nhiệm vụ “học” với tỉ lệ học sinh lên lớp hàng năm đều ở mức cao đạt trên 99,7%. Tỉ lệ học sinh giỏi và khá đạt trên 90%. 100% học sinh đạt hạnh kiểm thực hiện đầy đủ. Học sinh liên tục nhiều năm liền hoàn thành chương trình tiểu học 100%. Toàn trường đã nhận được nhiều Bằng khen và Giấy khen của các cấp như: Huân chương lao động hạng III (2011); Cờ thi đua Thành phố (2013; 2017); Bằng khen của Trung ương Hội khuyến học (2016); Bằng khen của UBNDTP Tập thể lao động xuất sắc (2003-2007); Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2015); Giấy khen của UBND Quận 5 về thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2011-2016); Bằng khen của Thành đoàn tặng Liên đội tiêu biểu (2012-2016).


Số lượt người xem: 1121    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm