SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
6
0
0
6
1
Bản tin quận 22 Tháng Tư 2019 9:05:00 SA

Lê-Nin với nền kinh tế nhiều thành phần

 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công (1917), Nhà nước Xô-viết đã thực hiện quốc hữu hóa nền kinh tế quốc dân. Và đầu năm 1918, Lê-nin đề ra kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1918, bọn địa chủ tư bản bị lật đổ nổi dậy chống chính quyền Xô-viết, gây ra một cuộc nội chiến. Từ bên ngoài, 14 nước đế quốc do Anh, Pháp cầm đầu đã can thiệp vũ trang, hòng bóp chết Nhà nước Xô-viết non trẻ. Trước tình hình đó, Lê-nin cho thi hành một chính sách kinh tế được ghi vào lịch sử với cái tên là chính sách của chủ nghĩa cộng sản thời chiến (1918 - 1920). Chính sách ấy có đặc điểm là thủ tiêu kinh tế tư nhân, sự từ bỏ quan hệ hàng - tiền, sự tập trung nghiêm ngặt trong quản lý các xí nghiệp quốc doanh, sự phân phối theo chế độ bao cấp... Lê-nin đã đánh giá về chính sách đó như sau: "Trong điều kiện chiến tranh mà chúng ta đã lâm vào thì về cơ bản, chính sách đó là đúng" (1)

Cuối năm 1920, nội chiến kết thúc. Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến không còn phù hợp nữa. Lê-nin đã khẳng định: "Chủ trương quốc doanh hóa nhanh chóng, xóa bỏ thương nghiệp tư nhân, Nhà nước độc quyền quản lý toàn bộ nông sản và trực tiếp quản lý sản xuất nông nghiệp, duy nhất một thành phần với hai hình thức sở hữu quốc doanh và tập thể...đã dẫn nền kinh tế nước Nga sau chiến tranh vốn đã kiệt quệ tiến tới bờ vực...Không thể nôn nóng xóa bỏ các thành phần kinh tế trực tiếp chuyển ngay sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được, mà phải trải qua một thời kỳ quá độ tương ứng với nó là nền kinh tế quá độ với nhiều thành phần kinh tế. Ngăn cản hoặc thủ tiêu các thành phần kinh tế ngoài thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa là "dại dột", là "tự sát" đối với Đảng nào muốn làm như vậy." (2)

Đại hội X của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vich Nga tháng 3-1921 đã quyết định thay chính sách kinh tế cộng sản thời chiến bằng chính sách kinh tế mới - NEP. Lê-nin nói: "Việc chuyến sang chính sách kinh tế mới chính là do chỗ, sau cuộc thí nghiệm trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn chưa từng thấy, trong điều kiện nội chiến, trong điều kiện giai cấp tư sản buộc chúng ta phải tiến hành đấu tranh ác liệt, thì đến mùa xuân năm 1921, chúng ta thấy rõ chưa nên xây dựng trực tiếp chủ nghĩa xã hội mà trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chúng ta cần phải lùi về chủ nghĩa tư bản Nhà nước, từ bỏ biện pháp tấn công chính diện" (3)

Sau khi chuyến sang chính sách kinh tế mới thì những quan hệ thương mại và tiền tệ là hình thức liên hệ chủ yếu giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế tiểu nông. Cùng với việc hủy bỏ trưng thu lương thực và chuyển sang thuế lương thực, nông dân tự do sử dụng những sản phẩm thừa đã sản xuất ra, bán những sản phẩm đó ở thị trường và qua thị trường mà mua sắm những hàng công nghiệp cần thiết.

Chính sách kinh tế mới bảo đảm một sự liên minh kinh tế và chính trị vững chắc của giai cấp công nhân và nông dân trong cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, để phát triển lực lượng sản xuất của đất nước theo phương thức xã hội chủ nghĩa.

Chính sách kinh tế mới cho phép những phần tử tư bản chủ nghĩa tồn tại trong một thời gian nhất định trong những khuôn khổ hạn chế, đồng thời giữ vững những vị trí kinh tế căn bản trong tay Nhà nước vô sản, chính sách ấy nhằm phát triển lực lượng sản xuất của đất nước xô-viết, nâng cao nền nông nghiệp, tạo những cơ sở kinh tế để chuyển sang chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, từ một nước kinh tế tiểu nông muốn đi lên chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ đặc biệt. Lê-nin còn cho rằng, một nước càng ít phát triển thì thời kỳ quá độ đó càng dài. Trong thời kỳ quá độ đó, tất yếu còn tồn tại những thành phần kinh tế khác nhau.

Trong tác phẩm "Bàn về thuế lương thực", Lê-nin đã nêu ra 5 thành phần kinh tế tồn tại ở nước Nga lúc bấy giờ như sau:

"1) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là phần lớn có tính chất tự nhiên;

2) Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì);

3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân;

4) Chủ nghĩa tư bản Nhà nước;

5) Chủ nghĩa xã hội” (4)

Có người hỏi: Thành phần kinh tế nào chiếm ưu thế ở đây ? "Rất rõ ràng, trong một nước tiểu nông thì thế lực tự phát tiểu tư sản chiếm ưu thế và không thể không chiếm ưu thế; đa số, thâm chí đại đa số người làm ruộng đều là những người sản xuất hàng hóa nhỏ" (5).

Theo Lê-nin, sự hình thành, tồn tại và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử. Và không thể dùng ý chí chủ quan hay sức mạnh hành chánh mà xóa bỏ những thành phần kinh tế đó.

Trong tác phẩm "Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản", Ph.Ăng-ghen cho rằng, sau khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền thì không thể thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa ngay lập tức, mà chỉ có thể cải tạo nó "một cách dần dần". Các Mác và Ph.Ăng-ghen, trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", đã nhấn mạnh, khi cách mạng vô sản giành được thắng lợi về chính trị thì "giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản" (6).    

Với quan điểm trên của C.Mác va Ph.Ăng-ghen, thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa chỉ bị tấn công dần dần từng bước một, do đó, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, sự tồn tại thành phần kinh tế tư bản tư nhân, tư bản Nhà nước bên cạnh kinh tế Nhà nước là một tất yếu kinh tế.

Ph.Ăng-ghen, trong tác phẩm "Bàn về vấn đề nông dân ở Pháp và Đức", đã viết: "...Khi chúng ta nắm được chính quyền,..nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông, trước hết là phải hướng nền kinh doanh cá thể và sở hữu của họ vào con đường kinh doanh hợp tác..." (7). Thực tế cho thấy, đạt được yêu cầu đó phải có thời  gian. Do đó, thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ bên cạnh kinh tế hợp tác trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu kinh tế.

Quan điểm của Lê-nin về nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước đây là những quan điểm hết sức sáng suốt và đúng đắn, và còn phù hợp với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về vấn đề này.

 

(1) Lê-nin Toàn tập - NXB Tiến Bộ- H - T 32 - tr 210.

(2)(4) Sđd - T 43 - tr 267 - 247 -248.

(3) Sđd - T 44 - tr 255.

(5) Sđd - T 36 - tr 283 - 314.

(6) C.Mác-Ph.Ăng-ghen Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 4 - tr 626.

(7) Sđd - T 22 - tr 736.


Số lượt người xem: 1887    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm