SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
5
3
6
7
Bản tin quận 12 Tháng Mười 2020 8:20:00 SA

Đất lành của những thương hiệu danh tiếng trăm năm

 

Quận 5 đã bắt đầu có chợ phiên thương mại điện tử, như là bước đi đầu tiên để tiến tới mở sàn giao dịch thương mại trong tương lai, tạo điều kiện cho khoảng 8.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn có thêm cơ hội hòa nhập với nền kinh tế số. Điều này gợi nhớ ký ức về một thời vàng son Chợ Lớn, nơi đất lành chim đậu, nơi lý tưởng để tìm về dựng nghiệp, thành danh… Thời ấy, hơn trăm năm trước, đã có những thương hiệu được gầy dựng và tồn tại mãi đến tận bây giờ - điều vô cùng hiếm hoi ở nước ta…

Nước mắm Liên Thành

Năm 1906, Liên Thành Thương Quán được thành lập ở Phan Thiết, chuyên nghề sản xuất nước mắm, có quy mô lớn nhất nước lúc bấy giờ. Nước mắm làm ra rồi cho vào hủ sành, đưa lên ghe mang vào Sài Gòn tiêu thụ. Trụ sở của Liên Thành Thương Quán ở Sài Gòn nằm ven rạch Chợ Lớn, ghe thuyền thông thương, thuận tiện cho việc kinh doanh, khuyếch trương thương hiệu. Vị trí trụ sở ấy ngày nay chính là ba căn nhà số 1 – 3 – 5 Châu Văn Liêm  thuộc địa bàn Phường 14, Quận 5, trong đó căn nhà số 5 Châu Văn Liêm  trở thành di tích lịch sử, là nơi Hồ Chủ tịch đã cư ngụ trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Nước mắm Liên Thành mặc dù sản xuất ở Phan Thiết, nhưng phát triển thành công từ Quận 5 nhờ ở ngay trung tâm giao thương hàng hóa của cả vùng Đông Dương thời Pháp thuộc. Nhu cầu ngày một tăng khiến trụ sở ở đường Châu Văn Liêm không đủ đáp ứng, Thương quán đã mua thêm một khu đất bên Quận 4, trên đường Bến Vân Đồn để làm nơi chứa hàng. Sau, nơi này được xây dựng thành trụ sở chính, khi rạch Chợ Lớn bị lấp làm thànhđường Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời Liên Thành cũng đã là một thương hiệu nước mắm danh tiếng bậc nhất, có mặt ở hội chợ Hà Nội, hội chợ Marseille tại Pháp…

Thành công về thương mại thúc đẩy Liên Thành mở rộng sản xuất, có thêm nhiều xưởng nước mắm ở Phan Thiết, Phan Rí ra tận Hội An. Sản phẩm làm ra nhiều hơn, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vì tiêu chuẩn chất lượng luôn đặt lên hàng đầu. Thời cực thịnh, Liên Thành mở luôn một xưởng sản xuất phân bón từ xác nước mắm nhưng không có mùi hôi, bán lên Đà Lạt, đắt hàng như tôm tươi. Các nhà vườn trồng rau, trồng hoa đặc biệt ưa chuộng loại phân hữu cơ này.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, kinh tế miền Nam chịu nhiều biến động, trong đó hẳn nhiên có Liên Thành. Năm 1979, Liên Thành đã hiến toàn bộ cơ ngơi ở thành phố lẫn các tỉnh, thành cho Nhà nước, trở thành quốc doanh, kèm hai điều kiện: một là được giữ lại cái tên thương hiệu Liên Thành, hai là giữ lại ngôi nhà trụ sở số 234 Bến Vân Đồn, Quận 4 để lưu niệm các bậc tiền nhân  đã có công khai cơ mở nghiệp… Vậy là Liên Thành tiếp tục tồn tại, nhưng, nước mắm làm theo kế hoạch bao cấp, nguyên liệu cá và muối không được quyền tuyển chọn, sản phẩm làm ra đóng vào thùng và can nhựa, giao nộp miễn sao  đủ chỉ tiêu là xong!

Cái chất lượng nước mắm dày công gìn giữ nhiều năm cũng đành trầm luân… từ dạo ấy.

Cũng may, gần chục năm sau, kinh tế bao cấp bị xóa sổ. Năm 1996, Liên Thành lại trở thành công ty cổ phần, dần dần hồi phục, nhưng tiềm lực lẫn thị phần xưa đã không còn. Những người chủ Liên Thành ngày nay loay hoay để tồn tại trong bối cảnh nhập nhằng giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, đuối sức trước những chương trình quảng cáo “dội bom” tiền tỷ trên truyền hình của những sản phẩm gọi là nước mắm… chỉ để gây ra sự ngộ nhận nơi người tiêu dùng.

DẤU TÍCH CỦA MỘT THỜI BI HÙNG

Trên Bến Nhà Rồng, trong Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở khu vực trưng bày tư liệu về chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành, có một tờ cổ phiếu bằng tiếng Pháp do công ty Liên Thành phát hành năm 1937. Đây chính là tờ cổ phiếu xưa nhất Việt Nam còn được lưu giữ. Đây cũng chính là một vinh dự đặc biệt được ghi nhận, lưu lại dấu ấn trong ịch sử về mối tương quan với một nhân vật lịch sử vĩ đại, lãnh tụ của cách mạng. Như trên đã nêu, trong mấy tháng ở Sài Gòn chờ lên tàu sang Pháp, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã sống tại Liên Thành Thương Quán, nay là nhà lưu niệm số 5 Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5.

Trước đó nữa, là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, dạy học tại Dục Thanh Học Hiệu ở Phan Thiết. Dục Thanh cũng là một cơ sở của những người sáng lập Liên Thành mở ra, có mục đích góp phần khai dân trí, cùng với Liên Thành Thư Xã, là nơi truyền bá sách báo và kiến thức cổ vũ cho tinh thần quốc gia, dân tộc, chống ách cai trị của thực dân Pháp đang áp đặt trên toàn Nam kỳ thời cuối thế kỷ 19.

Nói theo ngôn ngữ bây giờ, Liên Thành Thương Quán – Liên Thành Thư Xã và Dục Thanh Học Hiệu là của cùng một tập đoàn, của những người chủ là các sĩ phu yêu nước có tinh thần chống Pháp sáng lập, theo chủ trương của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, Nguyễn Thông, ông nghè Trương Gia Mô…

Tương truyền rằng, chàng trai Nguyễn Tất Thành khi vào Bình Thuận, đã tìm đến Phan Rí, nơi ở của ông nghè Trương Gia Mô về chí sĩ sau khi bỏ việc ở triều đình Huế để phản đối việc nhượng đất Nam kỳ. Ông nghè đã viết thư giới thiệu để Nguyễn Tất Thành vào dạy ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Tiếp đó là vào Chợ Lớn ở đường Châu Văn Liêm , rồi lên tàu sang Pháp.

(Cần biết thêm, ông nghè này chính là ông nội của đồng chí Trần Bạch Đằng, tên thật là Trương Gia Triều, từng có thời là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Ván bài lật ngữa đã được dựng thành phim).

Tương tự một đời người, sự chìm nổi của một thương hiệu có tuổi thọ trên trăm năm cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng với nước mắm Liên Thành, đó là sự tồn tại của một thương hiệu có tên trong sử liệu, đã dựng ghiệp thành công trên đất Quận 5, kiêu hãnh ghi lại dấu ấn bằng tờ cổ phiếu trong Nhà Lưu niệm Bác Hồ trên Bến Nhà Rồng và nhà số 5 Châu Văn Liêm hiện nay.

Vượt qua những lớp bụi thời gian phủ mờ, cái tên Liên Thành ngay từ thuở mới khai sinh đã biết thể hiện lòng yêu nước của mình.


Số lượt người xem: 636    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm