SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
9
9
5
1
9
Tin tức sự kiện 14 Tháng Sáu 2013 10:25:00 SA

“Cuộc chiến lòng, lề đường”

 

 

Từ đầu năm 2013 đến nay, có thể nói các lực lượng chức năng của quận đã liên tục tổ chức các đợt ra quân chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, kéo giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc và giảm số người thương vong vì tai nạn. Không thể không công nhận công sức và tâm huyết của chính quyền dành cho công tác này, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi.

 

Lực lượng Thanh tra xây dựng quận (trước khi thực hiện
Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/03/2013) ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường

 

Chuyện người lấn…

 

Hằng ngày, ngay từ sáng, đường Nguyễn Trãi, đoạn thuộc phường 3 và phường 2, quận 5 đã trở thành điểm mua sắm quen thuộc của giới trẻ với đủ loại hàng thời trang như nón, dây nịt, mũ bảo hiểm... được bày bán trên vỉa hè. Và bắt đầu từ giờ tan tầm, các xe đẩy treo đầy nón thời trang các kiểu, dây nịt, túi, bóp đủ loại nườm nượp rủ nhau xếp hàng dài trên vỉa hè. Đến tối thì hầu như không phân biệt được đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường vì họ đã tràn xuống cả lòng đường. Quần áo thời trang, giầy dép đua nhau chen xuống lòng đường để người đi đường dễ thấy, dễ dừng, dễ xem và dễ  mua. Người bán thấy ai nhìn là vội lao ra mời chào, người có nhu cầu cũng vô tư đậu xe dưới lòng đường bất chấp tiếng còi xe khó chịu của người đi đường. Và càng về tối, việc mua bán càng tấp nập, huyên náo.

 

Tương tự là khu vực xung quanh chợ An Đông, đường Yết Kiêu phải oằn mình với một lưu lượng người xe qua lại, mua bán trong ngày. Các bãi giữ xe tràn cả xuống lòng đường, những cửa hàng đá quý, giày dép luôn đông khách, nhiều xe và số người bán trái cây dưới lòng đường khiến cho con đường vốn không nhỏ trở nên quá chật chội cho xe và người đi bộ. Gần đó, đường Hùng Vường, đoạn bên hông bệnh viện 30/4 với vỉa hè quá nhếch nhác khi các mặt hàng đồ cũ như mũ bảo hiểm, điện thoại, giày dép được bày bán kéo dài hơn 50 m.

 

Đường Nguyễn Tri Phương, đoạn từ Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo thuộc Phường 7  với các quán nhậu hoạt động huyên náo từ 18 giờ đến rạng sáng hôm sau. Bàn ghế kê san sát, thực khách thoải mái ăn uống, phục vụ quán vô tư đứng dưới lòng đường mời khách, mặc cho người đi bộ muốn qua đây thì cứ nhắm mắt bước xuống lòng đường mà đi. Tương tự là các quán ốc đường Nguyễn Biểu, khu lẩu cá ở đường Dương Tử Giang…

 

 Và một điểm nóng của quận 5 là khu vực xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi lực lượng thanh niên xung phong tổ chức giữ xe trên vỉa hè thì người bán đành xuống lòng đường, kể cả bàn ghế cho khách ngồi ăn của những gánh cơm, bún khiến đoạn đường luôn bát nháo. 

 

Chuyện người sắp xếp

 

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ban giám đốc Công an TPHCM, ngay từ đầu năm 2012, công an khu vực đã thực hiện đợt phát giấy cam kết để các chủ hộ, người kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường tự nguyện ký cam kết. và ngay từ đầu năm 2013, Ban chỉ đạo An toàn giao thông của quận đã được củng cố, kiện toàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là Trưởng Ban. Sau đó, là những đợt ra quân liên tục với nhiều ban ngành tham gia, phát tờ rơi, xe loa tuyên truyền, cổ động người dân thực hiện nghiêm chỉnh việc không lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán. Hàng tháng, hàng quý, Ban chỉ đạo đều làm việc với 15 phường và các đơn vị liên quan đề nghe báo cáo quá trình thực hiện cũng như bàn các giải pháp để giải quyết tình trạng mất trật tự, mua bán ở lề đường nhưng sự chuyển biến chưa thật sự khả quan.

 

Trong những lần theo lực lượng chức năng quận 5, chúng tôi đã chứng kiến việc làm khá quyết liệt để dẹp các hàng quán vỉa hè lấn chiếm lòng lề đường trên nhiều tuyến đường. Trên các tuyến đường xe đi qua, các hàng quán nháo nhác ôm bàn ghế chạy khi thấy xe cơ quan chức năng xuất hiện đầu đường. Những chủ quán luôn miệng năn nỉ xin tha cho những vật dụng lấn chiếm vỉa hè vừa bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý.

 

Vào chiều tối, khi bóng dáng của lực lượng trật tự đô thị phường 2 và phường 3 vừa xuất hiện thì một cảnh tượng hỗn loạn nhưng rất trật tự xảy ra trên đường Nguyễn Trãi đã nói ở trên. Các xe bán nón, kính, dây nịt nhanh chóng sát vào tường, các xe đẩy bán quần áo, váy vóc biến vào những con hẻm nhỏ, các tấm nilon đang đầy vòng tay, dây chuyền, áo khoác, quần sooc được túm 4 góc và chạy mất. Tất cả trở nên gọn gàng trong chốc lát chờ lực lượng chức năng đi qua để rồi tất cả lại òa ra như ong vỡ tổ, cười cười nói nói như trong trò chơi cút bắt.

 

Hay hài hước hơn, những người bán bò bía, bạch tuộc nướng, bắp xào đường An Dương Vương, đoạn trước trường Đại học Sư phạm thuộc phường 4 và 3 còn nắm rõ giờ nào thì Phường nào đi kiểm tra để lánh sang lòng đường thuộc phần quản lý của phường kia chờ. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự thiếu phối hợp giữa các phường trong công tác lập lại trật tự đô thị. Việc này cũng tương tự tại cổng bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi lực lượng chức năng của quận 5 mướt mồ hôi trực chốt không để người bán hàng rong hoạt động thì phía bên Quận 11 lại đông vui như họp chợ với hàng quán, xe đẩy tập trung hết bên ấy.

 

Theo anh Trần Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 3, hiện nay lực lượng trật tự đô thị của phường được chia 2 ca ngày và đêm liên tục tuần tra nhưng do lực lượng mỏng nên không thể chốt tại các điểm nóng nên khi lực lượng tuần tra đi qua thì tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn. Đồng quan điểm với anh Dũng, chị Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 4 trình bày hiện nay tình hình mua bán lấn chiếm lòng lề đường diễn ra hết sức phức tạp, lực lượng làm công tác trật tự đô thị có hạn nên chỉ có thể trực chốt tại các điểm nóng từ sáng đến 9 giờ đêm, khi lực lượng này rút đi thì tình trạng buôn bán lấn chiếm lại như cũ và đặc biệt có một số đối tượng lợi dụng đang trong thời điểm chuyển giao giữa Thanh tra xây dựng và Trật tự đô thị có hành vi manh động chống người thi hành công vụ vì cho rằng lực lượng trật tự đô thị không có chức năng phạt vì chứa có quyết định thành lập…

 

Thay lời kết

 

Có thể nhận thấy rất rõ một điều rõ ràng là người buôn thúng bán bưng trên lề đường cần phải mưu sinh. Các bãi giữ xe nếu có giấy phép thì yên tâm bành trướng ra vỉa hè, còn những người buôn gánh bán bưng thì chỉ có cách vừa bán vừa trông chừng các anh trật tự đô thị để chạy khi có kiểm tra.

 

Và chúng tôi biết để trả lại vỉa hè cho người đi bộ vốn có hàng trăm lao động sống nhờ vào vỉa hè này, vào những gánh hàng rong, quán ăn di động là một bài toán khó, trách nhiệm không chỉ riêng của một cá nhân, tổ chức nào mà cần sự chung tay của cả xã hội thực hiện đồng bộ, từ khâu giải quyết công ăn việc làm cho những người buôn thúng bán bưng, đồng bộ từ cơ chế đến việc thực hiện, sự phối hợp của các cơ quan, địa phương liên quan và sự quyết liệt, kiên trì kéo dài đồng thời cũng cần có sự hợp tác của người dân. Nếu không, có lẽ trật tự đô thị vẫn mãi là bài toán khó chưa có lời giải đáp.  


Số lượt người xem: 4657    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm