Với mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát đẩy lùi tệ nạn mại dâm; dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững; đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; ngày 1/7/2016 Ủy ban nhân dân Quận 5 đã ban hành Kế hoạch Phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể:
15 phường tổ chức triển khai chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâmthông qua các hoạt động thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hơp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm sự kỳ thị và phân biệt đối với người bán đâm.
Đấu tranh triệt phá 100% các đường dây, ổ nhóm mại dâm hoạt động có tổ chức và xử lý nghiêm đối với các vụ việc vi phạm được phát hiện; tổ chức rà soát, lập hồ sơ quản lý các đối tượng liên quan hoạt động mại dâm. Từng bước kéo giảm các tuyến đường phát sinh tệ nạn mại dâm như đường Nguyễn Chí Thanh, Ngô Quyền (Phường 9), đường Hồng Bàng, Phạm Hữu Chí (Phường 11 và 12), đồng thời giữ vững kết quả đấu tranh chuyển hóa địa bàn đã đạt được, không để tình trạng tái phát sinh các tụ điểm mới.
Xây dựng các mô hình về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, được cung cấp các dịch vụ về tư vấn pháp lý - tâm lý, chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại 15 phường và Đội công tác xã hội tình nguyện được tập huấn, nâng cao năng lực về tiếp cận, truyền thông và tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; Thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa bàn cơ sở; Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; phòng, chống bạo lực giới trong phòng, chống mại dâm; Tăng cường hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.