Trong Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Hồ Chí Minh viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Giáo sư Singo Sibata (Nhật Bản) đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Như vậy, ngoài dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập còn có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới, đó chính là biểu hiện của tinh thần quốc tế trong sáng của nước Việt Nam mới. Thực tế chứng minh rằng, thành công của cách mạng Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước, góp phần đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Tại Đại hội Đảng lần thứ III (1960), Hồ Chí Minh khẳng định “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”. Người cũng nhấn mạnh, thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ thuộc về chúng ta, sẽ thuộc về chủ nghĩa xã hội… Nếu như tất cả các nước anh em và các đảng anh em đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Năm 1948, quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bị sức ép rất lớn ở phía Nam nên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đại diện sang Việt Nam đề nghị quân đội Việt Nam đưa quân sang giúp cho cách mạng Trung Quốc. Nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng sang để giúp bạn. Tại Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (từ tháng 6 đến tháng 10-1949), bộ đội ta đã phối hợp với lực lượng địa phương của Giải phóng quân Trung Quốc tiến công quân của Tưởng Giới Thạch, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân Giải phóng đánh chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, góp phần vào việc giành thắng lợi cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc…
Với các nước Lào, Campuchia, là những thuộc địa của thực dân Pháp và từng được lãnh đạo thống nhất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân đế quốc bởi Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt – Miên – Lào, Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đoàn kết chặt chẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”. Người căn dặn bộ đội Việt Nam trước khi lên đường sang giúp nước bạn: “Các chú nhận được một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”.
Tháng 4-1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết địnhmở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam (gồm 10 trung đoàn chủ lực và các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào) phối hợp với quân đội Lào Tự do (gồm 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích) phối hợp tiến công quân Pháp theo hướng chủ yếu là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở đường số 7, lưu vực sông Nậm U và giành thắng lợi (tháng 5 -1953), giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiengkhuang và Phongsaly. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới. Ngày 13-3-1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ nhiều chiến lợi phẩm.
Trong thời gian nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin và nhiều nước khác để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam. Kể từ đó, từ 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1954, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều nước lớn trên thế giới.
Trước lúc đi xa, Người căn dặn “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em… Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đại đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á – Thái Bình Dương, Tiến sĩ Modagat Ahmed phát biểu tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990) đã nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”…