SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
4
6
1
8
4
Bản tin quận 17 Tháng Tư 2017 2:20:00 CH

TRÍ THỨC TRẺ ĐỐI VỚI QUÊ HƯƠNG

 

Mỗi ngày mới đến, bật Facebook, trên dòng thời gian luôn có câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì?”. Nghĩ, thì ai cũng nghĩ. Nghĩ để biết mình tồn tại. Nghĩ để thấy hôm nay khác hôm qua. Nghĩ để thấm thía hơn dòng sông đời người chỉ trôi xuôi. Nghĩ để thấy mình còn cần cho ai đó, còn giúp ích được điều gì đó…

Và hôm nay, ngày cuối cùng của một năm có 365 ngày, cũng câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì” trên dòng thời gian như đang hối hả trôi, tôi xin trả lời là, tôi đang nghĩ đến một buổi ra mắt sách đã để lại ấn tượng có lẽ khó phai nơi tôi sau bao nhiêu buổi ra mắt sách khác mà tôi được tham dự trong năm qua.

Đó là buổi ra mắt quyển sáchGiá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết” của Tiến sĩ Lê Thanh Hải, được tổ chức giới thiệu bằng hình thức tọa đàm tại Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ở Tp.Hồ Chí Minh nhân dịp tác giả từ Luân Đôn về Việt Nam tham dự Hội thảo Việt Nam học lần 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, chủ đề mà trong quyển sách mới, tác giả cũng đã chạm tới nhiều điều bằng cách kết nối từ vốn tri thức được tiếp nhận và trải nghiệm với những giá trị cốt lõi, không riêng nền kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí tranh biện khoa học giữa các nhà báo, nhà văn, luật sự, giảng viên đại học, người nghiên cứu chuyên ngành khoa học nhân văn và đem lại nhiều gợi mở, nhiều ý tưởng mới mẻ bổ ích, không chỉ cho những người có mặt hôm đó.

Là một trí thức trẻ, đang làm việc tại Vương quốc Anh và là một người làm công tác nghiên cứu khoa học ngành xã hội và triết học thuộc Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, giảng viên thỉnh giảng nhiều trường đại học ở một số nước,  tiến sĩ Lê Thanh Hải dành nhiều tâm sức viết sách và lần lượt ra mắt độc giả Việt Nam. Sau truyện dài Cơn mơ trong tuyết (NXB Văn Nghệ tp.HCM 2007) và quyển sách đồng tác giả “Khảo cổ học Nam Bộ, từ Thực nghiệm đến Lý thuyết (Nhà xuất bản Tổng hợp tp.HCM 2010); Lê Thanh Hải viết tiếp ba quyển sách: “Warszawa thân yêu, tập du ký( NXB Văn hóa - Văn nghệ, tp.HCM 2010); “Nếm Sake ở Kobenhavn, tập du ký (NXB Văn hóa - Văn nghệ tp.HCM 2015) và quyển sách mới nhất “Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, sách lý luận ( NXB Chính trị Quốc gia  Sự thật 2016).

Quyển sách đầu tay có yếu tố hư cấu với ít nhiều chất văn chương, quyển sách thứ hai giàu trữ lượng cảm xúc, ký ức, ba quyển sách còn lại, đều có điểm tương đồng, mà tác giả đem lại cho độc giả, là “tạo ra được một không gian riêng cho tri thức bản địa - tri thức Việt Nam trong hệ tọa độ thế giới, được khu vực và thế giới công nhận tức là đem tri thức nước ngoài với giá rẻ về Việt Nam để ai cũng có thể tiếp nhận được và đem tri thức Việt Nam ra nước ngoài chào hàng với giá cao để xứng đáng với công sức lao động của người Việt đã bỏ ra”- Đây là lý do để tác giả khẳng định mình đang là người đi buôn, buôn tri thức mà giá trị thặng dư được tác giả trình bày rất rõ trong quyển sách mới của mình, đó vốn tri thức, vốn văn hóa, vốn xã hội được đem chia nhiều hơn thuộc về xã hội và dân tộc, còn ngược lại, cái vốn đó dành cho cá nhân, không còn là vốn của cộng đồng, của dân tộc thì giá trị đó sẽ lụi tàn.         

Cũng từ những quyển sách được xuất bản tại Việt Nam, nhiều sinh viên đã tìm gặp tiến sĩ Lê Thanh Hải. Qua mạng, tiến sĩ Lê Thanh Hải đã hướng dẫn nhiều sinh làm luận văn về kinh tế, văn hóa, lịch sử…Đây là công việc mà tiến sĩ Lê Thanh Hải dành nhiều thời gian nhất và cũng theo tiến sĩ, đây mới thực sự là đóng góp lớn nhất của mình, nhằm góp phần tạo nên một lớp trí thức tinh hoa cho đất nước

Và có lẽ, tiến sĩ Lê Thanh Hải cũng mong nay mai, có thêm được những trí thức trẻ biết “đi buôn” như mình, buôn tri thức, buôn mặt hàng đặc biệt, mà thiếu nó, không một dân tộc nào, quốc gia nào có thể sánh vai vai cùng năm bốn biển trong nền kinh tế nối kết toàn cầu hiện nay.

Cùng với nhiều trí thức dành tài năng và tâm huyết góp phần dựng xây quê hương, đất nước, có lẽ không cần Facebook nhắc câu hỏi mỗi ngày “Bạn đang nghĩ gì”, mà Tiến sĩ Lê Thanh Hải luôn tự hỏi và trả lời câu hỏi bằng việc làm, không chỉ mỗi ngày mà mỗi phút mỗi giây. Bởi thời gian cũng còn chính là dòng đời, luôn trôi xuôi, đã qua đi là không bao giờ trở lại.


Số lượt người xem: 1235    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm