SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
3
3
3
4
0
Bản tin quận 03 Tháng Bảy 2017 9:50:00 SA

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 - Nội dung và xu thế phát triển

 

Từ cuối thế kỷ 18 đến nay, trên thế giới đã diễn ra 4 cuộc cách mạng công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 từ cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 với sự ra đời của động cơ hơi nước, rồi động cơ đốt trong, sử dụng nhiên liệu than đá, mở ra kỷ nguyên sản xuất cơ khí và phát triển giao thương.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của máy phát điện, động cơ điện, mở ra kỷ nguyên sử dụng điện năng phục vụ sản xuất và đời sống.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 từ thập niên thứ 6 của thế kỷ 20 đến thập niên thứ nhất của thế kỷ 21, với sự ra đời của chất bán dẫn, các siêu máy tính được sáng chế (1960), máy tính cá nhân (1970 – 1980) và internet xuất hiện (1990).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) từ giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 trên cơ sở phát triển mạnh mẽ và toàn diện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Về bản chất, cuộc CMCN 4.0 là một bước phát triển mới của kinh tế tri thức (kinh tế phát triển dựa vào tri thức). CMCN 4.0 là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

Cuộc CMCN 4.0 phát triển với cấp số nhân, làm biến đổi nhanh chóng mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia bao gồm toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Trong cuộc CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo (innovation) trở thành động lực chủ yếu của sự tăng trưởng và phát triển, đồng thời là nhân tố chính quyết định sự tiến bộ. Từ đó, tạo ra công nghệ mới, cách thức kinh doanh mới, sản phẩm mới…Đổi mới sáng tạo là tiêu chí không thể thiếu để thúc đẩy phát triển cuộc CMCN 4.0, làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế toàn cầu .

Cuộc CMCN 4.0 diễn ra bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô và khám phá ra những quy luật mới của thế giới, hình thành những công nghệ mới như công nghệ na-nô, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị sử dụng cao và có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động như các loại xe ô tô tự lái và nhiều phương tiện tự lái khác…Công nghệ robot đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của sản xuất và đời sống. Robot đã thay thế con người trong lắp ráp, sản xuất ô tô, tham gia các quá trình tự động hóa trong nhà máy, trên đồng ruộng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hoặc tham gia công tác giải phẩu người bệnh…

Ngày nay, công nghệ 3D được nói đến nhiều và người ta dự báo, trong khoảng 10 năm tới, 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ 3D và chiếc ô tô đầu tiên ra đời bằng công nghệ 3D…

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra tiền đề và cơ hội cho sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số làm xuất hiện Internet của vạn vật.

Giữa thập kỷ 3 của thế kỷ 21, 10% dân số được dự báo sẽ mặc quần áo kết nối với internet; chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên xuất hiện trên thị trường; 30% công tác kiểm toán được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo…

Những thành tựu mới trong sinh học phân tử, sinh học tổng hợp và di truyền học, với sự hỗ trợ có hiệu quả của phương tiện hiện đại, sẽ giúp con người giải mã nhanh các hệ gen, từ đó, có thể chỉnh sửa mã gen để chữa trị các bệnh di truyền, tạo ra những giống mới trong nông nghiệp thích ứng với hạn hán, nước nhiễm mặn, chống sâu bệnh…

Với một chiếc điện thoại thông minh nối mạng Internet, người ta có thể mua hàng hóa với chất lượng và giá cả ưng ý giao bán trên mạng, đặt vé máy bay, gọi ta-xi Uber; thực hiện thanh toán qua mạng; xem phim, nghe nhạc từ xa, kết nối bạn bè trên Facebook, theo dõi các phiên họp của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ …với nhiều tiện ích, tiết kiêm được thời gian, công sức của mọi người.

Ở nước ta, 55% dân số đã sử dụng điện thoại thông minh, 54 % nối mạng Internet, bước đầu được hưởng thụ những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu. Song đến nay, Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Để hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với nhịp độ như vũ bão và ở quy mô toàn cầu, cần ra sức nâng cao nhận thức về cuộc CMCN 4.0 với những thời cơ và thách thức mà nó mang lại; về sự cần thiết và tính cấp bách của việc đầu tư cho phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao, nhất là trong một số ngành mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và năng lượng nguyên tử…Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học chất lượng cao nhằm đào tạo nhân lực trình độ cao, chuyên gia đầu đàn trong các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn. Đầu tư xứng tầm vào các trường đại học trọng điểm vì đây là nơi ươm mầm tài năng của đất nước. Ngành giáo dục và đào tạo, hơn lúc nào hết, cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập nghiên cứu, tạo tiền đề quan trọng nhất cho quá trình hội nhập vào nền văn minh hiện đại của thế giới.

Tạo nhiều cơ hội để nhân lực khoa học và công nghệ có thể đi học tập, nghiên cứu thực tế, thực tập sinh ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Mặt khác, có chính sách thu hút trí thức Việt kiều tài giỏi về nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. Tuyển chọn những nhà khoa học trẻ, tài năng, có triển vọng để đưa đi làm việc tại các trung tâm khoa học lớn trên thế giới, qua đó, bồi dưỡng để bổ sung cho đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn có tầm cỡ quốc tế trong tương lai.

Với định hướng đúng và giải pháp thiết thực, khả thi, Việt Nam sẽ hội nhập có hiệu quả vào quá trình cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.


Số lượt người xem: 935    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm