SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
8
2
5
5
2
Bản tin quận 13 Tháng Bảy 2020 7:40:00 SA

Nhớ lại Hội nghị Giơ-Ne-Vơ 1954 về Đông Dương

 

Quá trình toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu cao thiện chí mong muốn hòa bình của Nhà nước và nhân dân ta.

Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn của báo Thụy Điển Express, Người đã nói rõ quan điểm của nhân dân ta: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”. (1) Sức ép của dư luận đã buộc Chính phủ Pháp phải tuyên bố muốn biết lập trường của phía bên kia (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) bằng con đường chính thức và tỏ ý sẵn sàng xem xét việc lập lại hòa bình, bảo đảm độc lập cho các quốc gia liên kết.

Ngày 7-5-1954, quân đội Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ. 16 giờ 30 phút ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương khai mạc.

Tham dự Hội nghị có Georges Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Pháp; Chu Ân Lai, thay mặt nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Molotop, thay mặt Liên Xô; Eden của nước Anh và Walter Bedell Smith thay thế cho John Foster Dulles, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ; Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám và Tạ Quang Bửu đến Hội nghị nhân danh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Nguyễn Quốc Định và bác sĩ Trần Văn Đỗ thay mặt Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại; đại diện Vương quốc Lào và Vương quốc Căm-pu-chia. Đại diện lực lượng kháng chiến Pa-thét Lào và Khmer It-sa-rắc đã có mặt ở Giơ-ne-vơ, nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự Hội nghị..

Nhìn thành phần các bên dự Hội nghị, người ta thấy ngay Việt Nam có hai đồng minh (Liên Xô, Trung Quốc), nhưng phải đối phó với 6 bên còn lại.

Đến Hội nghị, Việt Nam nắm chắc mục tiêu: hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ. Đề nghị 8 điểm nổi tiếng của Phạm Văn Đồng đưa ra ngày 10-5-1954 thể hiện rõ mục tiêu đó và có ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân các nước quan tâm, nhất là nhân dân Pháp. Đoàn Việt Nam kiên trì phương châm: gắn quân sự với chính trị, gắn Việt Nam với Lào, Căm-pu-chia, gắn đoàn Việt Nam với hai đoàn Liên Xô và Trung Quốc trên tinh thần đoàn kết xã hội chủ nghĩa.

Các đoàn đối phương do Pháp dẫn đầu nhằm mục tiêu duy nhất chấm dứt chiến sự với phương châm tách quân sự, chính trị, tách vấn đề Lào, Căm-pu-chia khỏi vấn đề Việt Nam, tách Việt Nam khỏi Liên Xô, Trung Quốc. Lập trường của các đoàn phương Tây là hiếu chiến. Đoàn Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, hất cẳng Pháp và chiếm Đông Dương. Đoàn Vương quốc Anh thì chủ trương chống âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Phái chủ chiến của Pháp Laniel nhận đàm phán với ta để tránh búa rìu dư luận và tránh bị nhân dân Pháp lật đổ, đồng thời cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương.

Hội nghị không tiến triển. Đoàn Pháp bị ba đoàn Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc lên án. Phe chủ chiến Laniel ở Pháp bị đánh đổ. Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ. Ngày 18-6-1954, khi nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương.

Vào thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.

Cuối giai đoạn 1 của Hội nghị vẫn là sự thăm dò với nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà chưa đi đến một thỏa thuận thực chất nào.

Từ ngày 10 đến 20-7-1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt.

Vấn đề đình chiến ở Lào và Cam-pu-chia, đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt, nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh, nhưng không đạt được việc điều chỉnh cho Khơme Itsarak vùng đóng quân.

Vấn đề giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử, đoàn Việt Nam kiên trì vĩ tuyến 16 và tổng tuyển cử sớm. Cho đến ngày 19-7-1954, ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc thống nhất đưa cho đoàn Pháp phương án cuối cùng giới tuyến đi qua bắc đường 9 mười km. Phương án này được đoàn Việt Nam gợi ý từ tháng 6, nhưng phía Pháp vẫn đòi vĩ tuyến 18.

Cuộc họp đêm 20-7-1954, năm Trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vào phút chót mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là sau hai năm.

Trải qua 75 ngày thượng lượng với 31 phiên họp, trong đó 7  phiên họp toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn (2) rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với thiện chí của phái đoàn ta, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Một ngày sau đó, ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ra Tuyên bố cuối cùng…

Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia.

Theo Hiệp định được ký kết, Việt Nam bị chia cắt giả tạo thành hai miền qua vĩ tuyến 17, mặc dù sự thận trọng của các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng “dù bất cứ trường hợp nào không  thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Sự chia cắt chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Nước Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày, thường dân có quyền lựa chọn muốn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Uỷ ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ ngày 23-9-1945, kết thúc ngày 20-7-1954. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh” (3).

Nhân tố chính đưa tới Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh có đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, tạo lập, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc quyết một lòng hy sinh chiến đấu vì tự do và độc lập; kết hợp sức mạnh dân tộc và quốc tế.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, song mục tiêu thống nhất, độc lập chưa được thực hiện trọn vẹn trong cả nước. Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ cho tới khi đạt được mục tiêu đó.    

 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập- NXB CTQG - H - 1996 - T 7- tr 168.

(2) Báo Nhân Dân, số 17884, ngày 18-7-2004.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập- NXB CTQG - H - 1996 -T 10 - tr 12.       


Số lượt người xem: 1001    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm