SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
1
2
4
4
0
Bản tin quận 24 Tháng Tám 2020 8:10:00 SA

Rằm tháng bảy - Giật cô hồn, cướp lộc: Nét văn hóa hay niềm tin một nửa?

 

Lại một ngày Xá tội vong nhân sắp đến, người người nhà nhà cúng chúng sinh để thực hành Thiện tâm. Và cũng như một số năm gần đây, cảnh “giật cô hồn” lại trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Người cho là phản cảm, kẻ lại cho là một nét văn hóa bình thường của người dân Nam Bộ. Nhưng nếu muốn bình luận, thì ít nhất cũng phải hiểu những nghi lễ, thực hành tín ngưỡng, cuối cùng là để làm gì.

Cúng cô hồn mà không biết cô hồn có dùng được không

Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày rằm tháng 7 là ngày mở cửa địa ngục, các vong nhân được xá tội. Người Việt xưa tin rằng ngày lễ này có liên quan tới công việc đồng áng của người nông dân. Hàng năm cứ đến tháng 6 và tháng 7 (âm lịch) là vào vụ thu hoạch mùa màng, người dân thường cầu xin Thần linh bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu để họ có thể thu hoạch được thuận lợi. Đến đúng 15/7 mọi việc đã hoàn tất nên “ông Thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Vì thế cô hồn, dã quỷ được thả ra trở lại. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, vào ngày này người dân sẽ cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói.

 

Ngày Xá tội vong nhân cũng lại được cho là bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại.

Tóm lại dù bắt nguồn từ tích gì, thì ngày rằm tháng 7 cũng là ngày người trần cúng đồ ăn cho cô hồn, dã quỷ. Họ có thể là những người chết rồi nhưng không được đầu thai vào những nẻo luân hồi tốt đẹp hơn như trong Phật giáo giải thích, mà làm quỷ đói vì nghiệp nặng đã tích trong kiếp người. Họ cũng có thể là những linh hồn chết oan, mang oán nặng và chưa thể đi tiếp con đường luân hồi sau cái chết.

Cúng cô hồn không chỉ có ý nghĩa là “hối lộ” để họ không phá hoại việc làm ăn của người trần. Nghe có vẻ thiếu chút lòng thành mà vị tư, vị lợi. Thật ra tục lệ ấy có mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Để con người vứt bỏ đi nỗi sợ hãi ma quỷ của mình, nhìn nhận rằng những sinh mệnh đau khổ kia chính là vì không sống tốt trong những kiếp trước mà tạo thành tội nghiệp quá nặng, mà phải trả giá cho đến khi hết nghiệp, hoặc là vì ôm giữ tâm oán hận mà không thể siêu thoát.

Họ chính là phải làm cô hồn luôn đói khát nhưng lại không thể ăn cho thỏa. Nếu có, họ chỉ ăn được những đồ thanh đạm, dễ nuốt bởi cổ họng rất dài và hẹp. Luôn thèm khát là thế, nhưng nếu nuốt một miếng qua miệng, thức ăn bùng cháy thành ngọn lửa trong bao tử khiến họ rất đau đớn.

Thế nên mâm cúng cô hồn xưa được mô tả: “…cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc… hậu hĩnh thì có xôi chè và thế nào cũng có một nồi cháo hoa…” – (Trích mục Tết Trung Nguyên, Đất lề quê thói, Phong tục Việt Nam của Nhất Thanh).

Một nghi lễ tương tự đã được chính quyền tổ chức nhiều ở các triều đại nước Việt xưa cũng có ý nghĩa tương tự là Trai Đàn Chẩn Tế hay Thủy Lục đạo tràng. Đây là đạo tràng để siêu độ cho vong linh người đã khuất nhất là người vô danh, binh lính chết trận, người chết do bão lụt thiên tai, dịch bệnh. Trong nghi lễ chi tiết còn ghi lại được, khi làm Lễ Tiến Linh, cúng thí thực cô hồn là những mâm cơm chay, mâm quả, cháo trắng, gạo, muối, đường… (Theo Châu bản triều Nguyễn: Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945).

Ngày nay, mâm cỗ cúng cô hồn đã có nhiều biến đổi, các cơ sở kinh doanh càng lớn thì mâm càng cao, cỗ càng đầy. Nào xôi, gà, thịt lợn luộc, bánh ngọt, trái cây đủ cả, thậm chí có gia chủ còn tung tiền sau khi hoàn tất lễ cúng. Cái tục “giật cô hồn” vì thế càng quyết liệt và dễ sinh biến tướng phản cảm.

Mâm lễ cúng cô hồn thời nay có đôi chút quá thịnh soạn, không phù hợp với nghi lễ xưa.

“Giật cô hồn” – nét văn hóa độc đáo hay đi ngược lại với ý nghĩa Thiện lành?

Có người nói “giật cô hồn” là một phong tục độc đáo của người dân vùng Nam Bộ, và rằng người dân có quan niệm cúng cô hồn thì phải có người đến giật mới hên. Vì thế đang cúng mà có người bưng cả mâm đi gia chủ cũng không nói gì. Thậm chí mới đây trên mạng còn lan truyền đoạn video ghi lại cảnh người dân lao vào tranh cướp đồ cúng khi gia chủ vừa mới nâng nén nhang lên chuẩn bị cúng. Có lẽ cô hồn cõi âm còn chưa kịp động vào đồ cúng vì lễ còn chưa bắt đầu thì đã bị cô hồn sống cướp hết rồi.

Nhiều bạn đọc chia sẻ rằng tục lệ cướp giật này chẳng phải vì người ta đói khát, mà chỉ đơn giản là để cho vui. Đó là một nét văn hóa sôi động và không có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng với ý nghĩa hướng Thiện, giáo huấn con người hướng tới nhận biết sự đa dạng của sinh mệnh, hiểu được giá trị của sinh mệnh và cái lý nhân nào quả nấy để sống tốt hơn, thì hình ảnh cướp giật trong lễ cúng cô hồn thể hiện một sự lệch pha so với ý nghĩa truyền thống tốt đẹp đó.

Người thời nay, thực hành tín ngưỡng, tâm linh, lại chỉ nhìn hời hợt bề mặt, thực hiện cũng coi trọng hình thức nên mới ngày càng xa rời lý lẽ khi xưa. Họ cứ thêm thắt những hiểu biết của bản thân mình vào những tục lệ cũ. Thực hành tâm linh cũng chỉ là để cầu lợi cho bản thân, cầu làm ăn yên ổn, cầu lợi lộc, cầu hên… thế nên cái lý lẽ cúng chúng sinh phải có người cướp thì mới hên mới có cơ hội tồn tại.

Ngày nay “cô hồn” chết chưa ăn mà “cô hồn” sống đã cướp mất rồi…

Nếu họ thật sự thực hành tâm linh, họ sẽ hiểu, cái hên, cái may, cái thuận lợi của mình là do phúc đức ăn ở cho đúng, biết nghĩ tới người khác và không ích kỷ tham lam. Chữ Lộc () ý là phúc, tốt lành, gồm bộ “kỳ” (- Thần đất) đứng trước và chữ “lục” () đứng sau để lấy âm và cũng có một nghĩa là bận rộn không chút nghỉ ngơi. Do đó, có thể nói cái nghĩa gốc của chữ “Lộc” chính là ơn huệ của Thần ban cho khi ta chăm chỉ không ngơi nghỉ, là thứ ta đắc được nhờ sự phó xuất của mình. Như vậy, con người không thể tự tạo ra lộc, càng không thể tranh giành, cướp đoạt mà có.

Cũng bởi cái gọi là niềm tin tâm linh chưa tới, chỉ nghĩ làm lễ có kiêng có lành để đọat lợi cho bản thân, kẻ đi cướp cũng chỉ để thỏa cái dục cướp bóc, hưng phấn, lại thêm miếng ăn, tờ tiền thì càng vui. Ai cũng chỉ nghĩ lợi cho mình, không vì cái nghĩa hướng Thiện của tín ngưỡng nên xa rời lễ xưa. Chẳng có lời răn thiện lành nào lại hướng con người ta tới sự cướp giật. Chẳng có cái hên nào lại tới từ sự tranh đoạt. Chẳng có sự thí xả nào lại cổ vũ cho lòng tham và dục vọng tranh đấu của con người. Và cũng chẳng có việc phát chẩn thành tâm nào lại chỉ là vì để mang lại hên may cho người cho đi.

Vậy cớ gì còn để cho nạn giật đồ cúng lễ còn tồn tại. Nếu tin tưởng và thực hành tâm linh, xin hãy chu toàn và kỹ lưỡng. Đừng chỉ có một nửa niềm tin, cái nửa tin để đem lại lợi cho thân mình, mà quên đi thực hành đạo đức, thiện lành mới là phần nửa quan trọng nhất đem lại phước lành và an nhiên tự tại thật sự.


Số lượt người xem: 1293    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm