"Chợ Lớn" xuất phát đầu tiên từ thế kỷ thứ 17 theo nghĩa đen là một cái chợ lớn hơn những cái chợ khác trong cùng khu vực. Theo quá trình lịch sử, "Chợ Lớn" từng là tên của tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn, Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn và "Chợ Lớn" cũng từng là tên huyện lị của vùng Trung Huyện thuộc tỉnh Chợ Lớn...
Đến nay khu vực phường Chợ Lớn (Phường 11, 12, 13, 14, Quận 5) vẫn còn những hình ảnh vùng đất đô thị nhộn nhịp giao thương bậc nhất vùng Đông Nam bộ ngày xưa, các tuyến đường ô bàn cờ lưu thông dễ dàng hầu như đến giờ vẫn không bị kẹt xe.
Với diện tích 1.67 km2 thì Phường Chợ Lớn có lẽ là phường có nhiều chợ nhất thành phố Hồ Chí Minh, có thể là nhiều nhất cả nước với Chợ Đồng Khánh, chợ Đại Quang Minh, chợ Kim Biên, chợ Tân Thành, chợ Vật tư, chợ Phùng Hưng, chợ Hà Tôn Quyền, chợ Vật liệu xây dựng, chợ Xã Tây, các khu phố chuyên doanh như phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn ông, phố lồng đèn Lương Như Học, Phố vải Soái Kình Lâm, Phố văn phòng phẩm Phùng Hưng, ...và đặc biệt nền ngôi chợ lớn cũ ngày xưa nằm tại vị trí Bưu điện Chợ Lớn ngày nay...
Phường Chợ Lớn vốn là nơi hội tụ văn hóa đồng bào Việt - Hoa đặc sắc. Dấu ấn văn hóa được bảo tồn đến ngày nay ở các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Hội quán Hải Nam, Hội quán Ôn Lăng, Đình Minh Hương, Hội quán Nghĩa Nhuận, Hội quán Lệ Châu- nhà thờ tổ thợ bạc, Hội quán Hà Chương, Hội quán Quỳnh Phủ; các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố như: Hội Quán Phước An, Từ Đường Họ Lý. Chợ Lớn cũng là trung tâm của 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh” và "Nghệ thuật trình diễn dân gian - Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, Phường Chợ Lớn cũng có lẽ là phường có mật độ bệnh viện hàng đầu trú đóng dày nhất trong cả nước như Chợ Rẫy, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Truyền máu huyết học, Răng hàm mặt Trung ương, bệnh viện Đại học y dược, bệnh viện Công an Thành phố.
Đặc biệt Phường Chợ Lớn có di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà số 5 Châu Văn Liêm (Phường 14, Quận 5) - nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước; là một trong điạ phương quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Huyện - Chợ Lớn, là cái nôi của phong trào Hoa vận trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập giải phóng dân tộc.
Chợ Lớn là nơi có nhiều cơ sở cách mạng bí mật, là điểm trung chuyển, liên lạc và ẩn náu của lực lượng cách mạng trong lòng đô thị Sài Gòn – Gia Định. Các khu phố, xưởng sản xuất, tiệm buôn của đồng bào người Hoa nhiều khi trở thành nơi che giấu cán bộ, tài liệu, vũ khí. Nhiều người dân Chợ Lớn, trong đó có cả đồng bào người Hoa, đã tham gia kháng chiến, cung cấp tài chính, hậu cần cho lực lượng cách mạng. Trong các cuộc Tổng tiến công và nổi dậy – đặc biệt là Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Xuân 1975 – Chợ Lớn là địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Các chiến sĩ biệt động, du kích đã tận dụng địa hình đô thị đông dân, phức tạp để tấn công vào các cơ quan đầu não của địch.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước chào đón kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Chợ Lớn hết sức tự hào có 3 đơn vị y tế và 1 doanh nghiệp (trong tổng 5 đơn vị của Quận 5) được Ủy ban Nhân dân Thành phố công nhận đạt danh hiệu 50 Doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học y dược, Bệnh viện Hùng Vương và Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex.
Với những dấu ấn vàng son về lịch sử, văn hóa, kinh tế, Những người con vùng Chợ Lớn, phường Chợ Lớn có thể yêu và tự hào vì mình đã sinh ra, lớn lên hoặc đã từng cư trú, từng học tập, công tác ở nơi này.