SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
2
7
8
1
Bản tin quận 05 Tháng Sáu 2024 3:40:00 CH

Lãnh đạo Quận 5 đến viếng và dâng hương Nhà lưu niệm Bác Hồ

 

 

Nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (10/5/1969 – 10/5/2024).

 

Sáng ngày 05/6/2024, đồng chí Cao Sơn Yên – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy làm trưởng đoàn đại biểu Quận ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5 đã đến viếng và dâng hương Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà số 5 Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5 - Nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911.

 

 

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm (thuộc địa bàn Phường 14, Quận 5) xưa kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc - một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Căn nhà này ngày nay đã trở thành di tích lịch sử vì đó là nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

 

Liên Thành thương quán là một trong các thương hội do một số nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân lập ra vào ngày 06/6/1906 để phát triển kinh tế, theo sự gợi ý của cụ Phan Châu Trinh. Cuối năm 1906, Liên Thành thương quán được mở rộng và đặt thêm một trụ sở tại Sài Gòn mang tên Liên Thành phân cuộc, tọa lạc tại số 1-2-3 đường Quai Testard (sau đổi thành đường Tổng Đốc Phương và ngày nay là đường Châu Văn Liêm).

 

Ngày 19/9/1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành về mọi mặt, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn với giấy tờ mang tên Văn Ba, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang. Mấy ngày đầu, Văn Ba cùng cụ Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang ngụ tại nhà ông Lê Văn Đạt, cũng là người trong Hội Liên Thành, ở số 185/1 đường Dumortier, xóm Cầu Rạch Bần (nay là đường Cô Bắc, Quận 1). Sau đó, Văn Ba chia tay với các cụ để vào Chợ Lớn, đến Liên Thành phân cuộc (số 1-2-3 Quai Testard) làm việc và chờ có dịp xuất dương.

 

Trong thời gian ở Liên Thành phân cuộc, Nguyễn Văn Ba đã tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh chị em công nhân và tình hình đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân lao động ở Nam Kỳ, nơi mà chủ nghĩa tư bản và thực dân phát triển cao nhất so với cả nước. Ở đây cũng là nơi có phong trào Duy Tân và Đông Du hoạt động rất mạnh. Tuy có bị thực dân Pháp săn lùng, đàn áp, nhưng phong trào vẫn không ngừng hoạt động và lan rộng.

 

Chính tại Liên Thành phân cuộc, Nguyễn Tất Thành - tức Văn Ba - đã bước vào “Vô sản hóa” và sớm giác ngộ về ý thức giai cấp công nhân cho chính bản thân mình.

 

Ngày 02/6/1911, trong dịp xuống bến cảng, Văn ba phát hiện được một chiếc tàu buôn của hãng Chargeur Réunis (Công ty vận tải Hợp Nhất, còn gọi là hãng Năm Sao) thường ra vào Cảng Sài Gòn. Con tàu mang tên La Touche Tréville. Được một người trong Liên Thành giới thiệu, Văn Ba đã tìm đến vị thuyền trưởng con tàu và với vốn tiếng Pháp trong thời kỳ học ở trường Quốc Học Huế, Văn Ba đã thuyết phục được vị thuyền trưởng chấp nhận cho một chân phụ bếp trên tàu. Thế là ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên giấy tờ là Văn Ba đã theo con tàu La Touche Tréville rời bến cảng, thực hiện được ước vọng bấy lâu nay là ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

 

Liên Thành phân cuộc là nơi đã ghi dấu những ngày lưu lại của Nguyễn Tất Thành khi đặt chân lên đất Sài Gòn, là nơi mà Nguyễn Tất Thành đã sống và làm việc như một người phu khuân vác thực thụ để tìm hiểu đời sống người dân lao động và tìm phương cứu nước. Chính tại khu nhà số 1-2-3 Quai Testard (nay là 1-3-5 đường Châu Văn Liêm), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu sự nghiệp vĩ đại: giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc, giành độc lập, tự do cho đất nước.

 

Đây là một ngôi nhà phố, gồm một trệt và một lầu, rộng khoảng 4m, dài khoảng 9m, nền lát gạch bông, cửa sắt kéo. Chiều cao từ nền lên đến trần khoảng 3m. Tầng lầu có ban công nhô ra phía trước, khoảng 2m x 4m; cửa ra ban công là cửa gỗ, hai cánh mở ra. Hiện nay toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày bổ sung cho di tích. Tầng trệt được ngăn tách thành hai gian. Gian trước đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên vách tường trưng bày chủ yếu các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911. Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên lầu. Tầng lầu bày trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các thế hệ tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

Với ý thức bảo tồn di tích lịch sử, Đảng bộ, chính quyền Quận 5 và ngành Văn hóa thông tin thành phố đã nhiều lần sửa chữa, trùng tu căn nhà này, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người với tên gọi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Ba.

 

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm ngày nay là một địa chỉ đỏ, là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quận 5.

 

Nhà số 5 - đường Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1988 theo Quyết định số 1288 – VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

 


Số lượt người xem: 153    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm